Đổ xô vào trường Thực nghiệm: Vì chất lượng hay vì tâm lý?
Như mua gạo thời bao cấp
Có mặt tại cổng trường Thực nghiệm lúc 4 giờ 30 sáng 13/5, chúng tôi đã thấy hàng trăm phụ huynh xếp hàng dài trước cổng với mong muốn mua được bộ hồ sơ cho con có "cơ hội" vào học tại trường mà GS Ngô Bảo Châu đã từng học. Chị Nguyễn Thanh Thùy cho biết, chị đến từ lúc 2 giờ sáng (13/5) vì nghĩ đến sớm sẽ mua được hồ sơ. "Bị chen đến nghẹt thở, mất ngủ cả đêm, chẳng biết con có thi được vào không, nhưng đi xin học kiểu này mệt mỏi khủng khiếp. Cũng mới chỉ nghe nói là trường dạy tốt, cách học nhẹ nhàng, vừa học vừa chơi mà nơi đây GS Ngô Bảo Châu đã từng học, chính vì thế tôi rất muốn con được vào học ở đây" - chị Thùy nói. Tương tự, anh Phạm Hữu Trung (Khâm Thiên, Đống Đa) chia sẻ: "Xuất phát từ 2 giờ sáng, vất vả lắm tôi mới len vào được cổng, như vậy mới lấy được tích kê, vì lượng hồ sơ bán ra chỉ có hạn. Đi mua hồ sơ cho con mà như xếp hàng mua gạo thời bao cấp, quá khổ!".
Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Thùy, anh Trung. "Đến từ sáng sớm, tôi đã cố gắng hết sức len vào tới gần cổng. Đến nơi, họ thông báo đã hết tích kê nên chỉ thu lại giấy khai sinh. Chẳng biết trường có phát tích kê nữa hay không, đành phải chờ thêm 1 - 2 tiếng nữa xem còn cơ hội mua được hay không! Mệt quá!", một phụ huynh đang có bầu phàn nàn trong cái nắng vừa lên của một ngày oi bức.
Lại có cả những nỗi niềm "kiểu khác" ở phụ huynh khi góp mặt trong đám đông đứng xếp hàng trước cổng trường Thực nghiệm. Chị Hoàng Thị Tú, ở Hoàng Cầu, Đống Đa tâm sự: "Gia đình đã tính đến phương án 2 là cho cháu học tại trường gần nhà, đúng tuyến. Nhưng vì thấy cháu có năng lực, nên muốn cho cháu thử sức, chứ không đặt mục tiêu là phải vào trường này".
Mỗi người một cách lý giải cho việc đổ xô đến mua hồ sơ vào trường Thực nghiệm, nhưng hầu như tất cả đều xuất phát từ tâm lý trường này đã từng đào tạo ra nhiều nhân tài. Chợt đặt dấu hỏi, liệu đây có phải là tâm lý đám đông?
Phát hành hồ sơ theo nhu cầu
Theo bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường Thực nghiệm, những năm trước số phụ huynh đến đăng ký mua hồ sơ dự tuyển cho con rất đông. Tuy nhiên, chưa năm nào xảy ra tình trạng chen lấn, cãi cọ, rồi xô đổ cả cổng trường như ngày 12/5 vừa qua. "Riêng sáng 13/5, nhà trường đã phát ra 350 tích kê. Sở dĩ nhà trường chỉ chuẩn bị ngần ấy hồ sơ là dựa trên nhu cầu của năm 2011, không ngờ số lượng lại tăng lên cao như vậy. Sang năm nhà trường sẽ cân đối, phân bổ bán đơn hợp lý hơn, tránh tình trạng xô đẩy, chen lấn như đã xảy ra".
Bà Hương cũng thông tin, chiều 13/5, trường Thực nghiệm phát hành thêm hồ sơ để giải quyết hết nhu cầu của phụ huynh. Tuy nhiên, năm nay trường chỉ tuyển vào 140 chỉ tiêu. Còn chuyện vào được trường hay không là tùy vào năng lực của học sinh.
Một trong những giải pháp giảm tải là thực hiện chủ trương về xã hội hóa các trường đào tạo, tức là phải có trường tư làm đối trọng cho trường công. Xem ra giải pháp này có vẻ còn xa vời, khi xét song hành chất lượng và chi phí mà phụ huynh phải chi trả. Dù lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định từ năm 2012 này, tất cả các trường tuyển sinh mầm non phải thực hiện hình thức bốc thăm để đảm bảo khách quan, và tới năm 2015 tình trạng xếp hàng qua đêm chờ mua đơn cho con sẽ được khắc phục. Nhưng có lẽ các nhà quản lý giáo dục chưa lường trước được việc xếp hàng qua đêm vốn xảy ra ở các trường mầm non nay lại xuất hiện ở cả trường tiểu học và THCS.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành, việc phụ huynh đổ xô vào trường Thực nghiệm là vì nhiều lẽ chứ không đơn thuần do trường có phương pháp dạy đặc biệt. "Đó có thể là do ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều nhân tài, trong đó có GS Ngô Bảo Châu" - ông Thành nói.