Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doạ thế, không dễ làm thế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mọi động thái vừa qua đều tạo cảm nhận tình hình chính trị an ninh ở Đông Bắc Á đang rất căng thẳng. Với sự đồng tình của Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết do Mỹ đưa ra với những biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn.

Triều Tiên tuyên bố coi Nghị quyết này như một lời tuyên chiến, dọa sẽ tiếp tục thử tên lửa với mục tiêu là Mỹ và đề cập đến khả năng xảy ra chiến tranh với Hàn Quốc.

Điều đáng chú ý ở đây là mức độ phản ứng của Triều Tiên quyết liệt hơn trước rất đáng kể trong khi tác dụng thực tế của Nghị quyết mới rồi của Liên Hợp quốc cũng chỉ rất hạn chế.

Bởi thế, nguyên cớ sâu xa của phản ứng nói trên của Triều Tiên có lẽ ở chỗ Trung Quốc nhất trí với Mỹ về Nghị quyết này và ở thời điểm trước khi Tổng thống mới của Hàn Quốc chính thức nhậm chức.

Cho tới nay, đã có không ít Nghị quyết của Liên Hợp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chúng gây không ít khó khăn cho Triều Tiên nhưng về cơ bản chưa làm Bình Nhưỡng thay đổi quan điểm trong vấn đề hạt nhân và tên lửa. Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc siết chặt thêm những biện pháp trừng phạt, nhưng nặng về danh nghĩa mà nhẹ về hiệu lực thực tiễn.

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đề cao trước hết ý nghĩa chính trị của nó. Triều Tiên làm găng như thế để biểu lộ cho tất cả các bên liên quan thấy sẽ không để họ mặc cả với nhau trên đầu mình và vẫn giữ thế chủ động tác động chứ không phải bị động đối phó diễn biến tình hình ở khu vực.

Triều Tiên đã nhiều lần sử dụng ngôn từ to tát để dọa Mỹ và Hàn Quốc cũng như vẫn tiếp tục phóng tên lửa và thử hạt nhân bất chấp bị trừng phạt và bao vây cấm vận. Lần này, Triều Tiên rất có thể sẽ lại thử hạt nhân và phóng tên lửa, nhưng ít khả năng nhằm tên lửa vào Mỹ và tiến hành chiến tranh với Hàn Quốc. Thử hạt nhân và tên lửa là con chủ bài chiến lược của Triều Tiên trong khi tiến hành chiến tranh thì chỉ có kẻ thua chứ chẳng có ai thắng cả.