Tham dự Đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo huyện Thanh Trì.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo TP Hà Nội, huyện Thanh Trì dâng hương tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An tại Đền thờ Chu Văn An (xã Thanh Liệt). |
Tại sự kiện, các đại biểu đã dâng hương và nghe đọc Chúc văn tưởng nhớ công ơn Danh nhân Chu Văn An, nhà giáo lỗi lạc, người thầy của mọi thời đại, người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội.
Tư tưởng giáo dục của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực, có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
Danh nhân Chu Văn An, tên thật là Chu An, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên sông Tô Lịch. Ông được Vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua.
Tương truyền sau khi Chu Văn An mất, Nhân dân làng Thanh Liệt cũng dựng đền thờ và xin phong ông làm thần hoàng phù hộ quê nhà. Sang đến thời Lê Trung Hưng, ngôi đền này trở thành Văn chỉ, nơi thờ chung tất cả các vị khoa bảng của làng Thanh Liệt.
Theo văn bia “Tiên hiền bi ký” dựng năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1765) thì ban đầu đền thờ Chu Văn An và con là Chu Tam Tỉnh, đỗ khoa Ngự thi năm Tân Hợi, cháu là Chu Đình Bảo, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484), rồi Lý Trần Thản, đỗ tiến sĩ năm Ất Sửu.
Đền Chu Văn An cũ vì chật hẹp nên đã được di chuyển đến vị trí hiện nay bên dòng Tô Lịch để xây lại vào năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức, trên một khoảnh đất rộng rãi hơn. Đền lúc ấy gồm một tòa nhà 3 gian lợp ngói nằm giữa hai dãy giải vũ, dân quen gọi là đình Nội. Dưới thời Pháp thuộc, ngôi đền được trùng tu vào năm Nhâm Dần (1892).
Mặt đền quay về hướng đông nhìn sang chùa Bằng bên kia sông, phía trước có tòa thủy đình trên ao bán nguyệt. Sau khi mở rộng con đường Kim Giang chỉ còn lại sân đình với bình phong đắp cuốn thư. Ngôi đền hiện nay gồm nhà tiền tế 3 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, kết nối với trung đường 3 gian và hậu cung thành hình chữ “Công”. Các bộ vì ở tiền tế làm theo kiểu vòm bán nguyệt, ở hậu cung làm theo kiểu “chồng giường, giá chiêng”, chạm khắc đề tài tứ linh và tứ quý.
Trong đền hiện nay vẫn lưu giữ được một số di vật quý như 2 bức y môn, cửa võng, 4 hoành phi, 4 đôi câu đối, lọ độc bình, một đỉnh đồng, 5 sắc phong thần hoàng từ thời Lê - Nguyễn, một cuốn thần phả ghi tiểu sử Chu Văn An, 6 bia đá, một khám thờ…
Tại hậu cung có một khám thờ lớn sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo; pho tượng và bài vị Chu Văn An được đặt trang nghiêm ở chính giữa, hai bên phối thờ các vị đại khoa khác. Ngày 21/1/1989, ngôi đền đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.