Phóng viên TTXVN tại Geneva cho biết trong các ngày 16-19/10, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 125 (IPU-125) và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ. Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm trưởng đoàn. Đoàn Việt Nam đã tham dự các hoạt động của Đại hội đồng, Hội đồng điều hành, các phiên thảo luận chuyên đề và một số phiên thảo luận của các Ủy ban của IPU. Ông Hà Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại diện của Quốc hội Việt Nam tại Ban Chấp hành IPU, đã tham dự Phiên họp lần thứ 262 của Ban chấp hành IPU để chuẩn bị và trong khuôn khổ kỳ họp 125 của IPU. Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã tiếp xúc với Chủ tịch và Tổng thư ký IPU, các đoàn Lào, Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Indonesia, Morocco, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số đoàn nghị viện thành viên IPU khác. IPU-125 và các hội nghị liên quan thu hút sự tham gia của gần 1.500 đại biểu đến từ nghị viện của 135 nước, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế. Trọng tâm hoạt động của Đại hội đồng IPU-125 là các phiên họp Hội đồng Điều hành và Đại hội đồng nhằm thảo luận và thông qua Chiến lược phát triển của IPU giai đoạn 2012-2017, các hoạt động, vấn đề tổ chức, tài chính... Về hoạt động của IPU trong năm 2012, Đại hội đồng đã nhất trí với đề xuất của Ban Thư ký về các lĩnh vực hoạt động cơ bản của IPU tập trung vào tăng cường dân chủ nghị viện, thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường phối hợp với Liên hợp quốc… Chiến lược phát triển của IPU 2012-2017 đã được thông qua với chủ đề “Vì các nghị viện tốt đẹp hơn và các nền dân chủ mạnh mẽ hơn,” trong đó vạch ra ba tầm nhìn chiến lược cho IPU trong 5 năm tới, gồm Vì các nghị viện tốt đẹp hơn và các nền dân chủ mạnh mẽ hơn; Tăng cường sự tham gia của nghị viện vào các hoạt động quốc tế; và Nâng cao vai trò của IPU như một cơ chế hợp tác nghị viện hiệu quả. Về nội dung, Đại hội đồng IPU-125 đã tiến hành ba phiên thảo luận chuyên đề về các nội dung dự kiến cho Đại hội đồng IPU-126, gồm tăng cường và thực thi quản trị tốt để thúc đẩy hòa bình và an ninh: các bài học rút ra từ diễn biến ở Trung Đông và Bắc Phi; Tái phân bổ cả quyền lực chứ không chỉ vật chất: quyền định đoạt các vấn đề quốc tế; và Tiếp cận y tế là một quyền cơ bản: vai trò của các nghị viện đối phó với những thách thức nhằm bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết về Chủ đề khẩn cấp do Namibia đề xuất về phối hợp hành động của các nghị viện thành viên IPU nhằm giúp đỡ người dân Somalia đang bị nạn đói hoành hành. Trong số các hội nghị liên quan, các phiên họp của Ủy ban hợp tác với Liên hợp quốc của IPU đã đánh giá các hoạt động hợp tác thời gian qua giữa IPU và Liên hợp quốc và bàn phương thức hợp tác theo hướng tăng cường và thực chất hơn. Ngoài ra, Hội nghị các Tổng thư ký nghị viện và Ủy ban về quyền của các nghị sỹ của IPU cũng tiến hành các hoạt động thảo luận về các chủ đề thuộc lĩnh vực tương ứng. Về tổ chức, Đại hội đồng IPU-125 đã tiến hành bầu bổ sung 7 vị trí thành viên Ban Chấp hành và bầu ông Abdelwahad Radi, Chủ tịch Hạ viện Morocco, làm Chủ tịch IPU nhiệm kỳ mới 2011-2014. Về tài chính, Đại hội đồng đã xem xét và thông qua dự toán ngân sách hoạt động của IPU năm 2012 phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn trên toàn cầu. Trên cơ sở cắt giảm ngân sách, Đại hội đồng đã phê duyệt mức niên liễm mới cho các thành viên từ năm 2012. Đại hội đồng IPU lần thứ 126 sẽ được tổ chức tại thủ đô Kampala của Uganda.