Đoàn kết và khát vọng phát triển

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển đất nước chính là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tất cả các lĩnh vực.

Từ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, 48 năm sau ngày thống nhất đất nước, khát vọng ấy đã và đang dần thành hiện thực khi sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên mạnh mẽ, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn trên chặng đường phía trước.

Đi lên bằng ý chí quật cường

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển đất nước chính là hiện thực sinh động khẳng định nội dung phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tất cả các lĩnh vực. Đây chính là nguồn lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua nhiều thời điểm khó khăn, khắc nghiệt, để lại những dấu ấn hào hùng.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII. Ảnh: Thanh Hải
Quang cảnh Hội nghị lần thứ mười hai, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII. Ảnh: Thanh Hải

Nếu tính từ dấu mốc năm 1975, sau khi hòa bình, thống nhất, con đường để thực hiện mong ước, khát vọng của Bác về một Việt Nam “giàu mạnh” đã được gìn giữ, nuôi dưỡng trở thành động lực và hành động thôi thúc chúng ta trăn trở, suy nghĩ và hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.

Thực tế đang cho thấy, chính tinh thần đoàn kết đã tạo nguồn lực cả về vật chất và tinh thần, nhân lên sức mạnh nội sinh để đưa đất nước vượt qua gian nan, thử thách. Việt Nam bước ra từ chiến tranh, những năm đầu xây dựng lại đất nước chỉ bắt đầu với mong ước nhỏ là "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", đã đi lên mạnh mẽ. Như trong các Nghị quyết của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Điểm lại những thành quả của đất nước, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, 48 năm sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã phát triển toàn diện, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế - tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

48 năm sau ngày thống nhất, nhất là sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín với bạn bè quốc tế. Nhiều năm được đánh giá là một trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần đoàn kết toàn dân một lần nữa thể hiện sức mạnh, hiệu quả to lớn trong phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong cả ba năm (2020, 2021, 2022), dù chịu tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (năm 2020 là 2,91%, năm 2021 là 2,6%, năm 2022 bứt phá lên mức 8,02%, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011 - 2022). Các TP phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống; nông thôn khởi sắc cùng chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, đến nay thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên mức 2.800 USD/người.

Trên cơ sở những thành tựu đã có, cả nước đang bước vào một giai đoạn mới, để đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.700 - 5.000USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500USD, trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thành quả từ sự đồng lòng

Trước những thành quả và mục tiêu lớn trong một giai đoạn phát triển tiếp theo, chiến thắng 30/4 năm 1975 vẫn luôn là bệ đỡ để đất nước có thêm bản lĩnh, niềm tin, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm đổi mới. Chiến thắng ấy cũng là động lực để chúng ta vươn ra biển lớn trong cuộc hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam. Bởi những bài học, kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, trở thành bài học thời đại trong quá trình hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay.

Nói cách khác, nhận thức đang biến thành hành động cách mạng, khát vọng không chỉ còn là khát vọng, đang biến thành hành động cách mạng kiên quyết để biến thành hiện thực. Chúng ta đang xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Đảng, Chính phủ và người dân.

Như PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã nhận định: “Từ những thành quả đã có, Đảng đang tiếp tục phát huy, khơi dậy khả năng sáng tạo của Nhân dân, đoàn kết và tạo nên sức mạnh của cả dân tộc.

Để “ý Đảng hợp với lòng dân”, các cấp, các ngành đang có thêm các giải pháp để lắng nghe ý kiến phản biện của người dân, chọn lọc, tiếp thu đưa vào những quyết sách những gì tinh túy có thể tiếp thu được, áp dụng được. Bởi lịch sử đã chứng minh bất kể sự kiện gì nếu không có sự tham gia, đồng thuận của người dân rất khó thực hiện. Do đó, việc biến khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thành thực tiễn vô cùng quan trọng và đòi hỏi phải thực chất hơn nữa.

Có thể nói rằng, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của quốc gia càng tăng lên khi chúng ta đã bước vào “sân chơi” lớn. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đồng thời, là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, thể thao lớn của khu vực và thế giới…

Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam chính là sự vận dụng sáng tạo bài học đoàn kết, đó là đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quốc tế. Nhờ sự đoàn kết ấy chúng ta mới có những thành công hôm nay.

 

"Đúng như Bác Hồ đã nói: “Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân”. Đại đoàn kết và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc là bài học xuyên suốt tiến trình lịch sử từ khi Đảng thành lập cho đến các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong suốt quá trình Đảng tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Theo tôi, những bài học để giành thắng lợi trong chiến tranh của 48 năm trước, đang được Đảng vận dụng sáng tạo vào công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay và đang cho thấy những kết quả đáng tự hào." - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

---

"Trên nền tảng thành tựu đã có, để đạt được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải tập trung xây dựng tinh thần đoàn kết, nhân tố con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải làm theo gương Bác về việc nêu gương, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu; cán bộ, đảng viên phải tận tâm tận lực trong việc lớn việc nhỏ, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo hơn nữa." - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc