Doanh nghiệp BOT biến người dân thành “bò sữa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều phản ứng của dư luận xã hội về các vấn đề thu phí cao, không hợp lý, gây ùn tắc giao thông…

Nay, tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại đang phải chịu thêm áp lực từ cuộc chiến “lợi ích” trong nội bộ nhà đầu tư.

Ăn chia không sòng phẳng

Tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có 3 nhà đầu tư chính: Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng Công ty Công trình giao thông I (Cienco1) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành. Liên danh nhà thầu này lập ra Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC), do Minh Phát giữ vị trí Tổng Giám đốc với 65% vốn góp. Những ngày gần đây, dư luận bàn luận rất nhiều về vấn đề liệu có hay không sự nhập nhèm trong khâu thu phí và “chia phần” giữa Minh Phát với Cienco1.

Theo báo cáo doanh thu MPC gửi đến các cổ đông cho thấy: Tháng 12/2015, đạt trên 36 tỷ đồng; tháng 1/2016 đạt hơn 41 tỷ đồng và tháng 2: 35,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Cienco1 Đinh Ngọc Đàn tỏ ra nghi ngờ các con số nêu trên khi bày tỏ băn khoăn: “Tháng 2/2016 là tháng Tết, lưu lượng phương tiện lớn hơn nhưng doanh thu lại thấp nhất trong 3 tháng”.
Một trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 	Ảnh: Phạm Hải
Một trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hải
Vấn đề chưa có lời giải đáp thỏa đáng nhưng một số chuyên gia cho rằng, Liên danh nhà thầu đã vô tình “vạch áo cho người xem lưng", bởi, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cho tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là 1.974 tỷ đồng, trong khi đó với mức phí thu vào từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ngày (căn cứ theo số liệu 3 tháng vừa được MPC công bố) thì mỗi năm tuyến đường này sẽ mang về cho chủ đầu tư gần 470 tỷ đồng/năm. Nên biết, chủ đầu tư sẽ được thu phí trong 17 năm, nếu nhân số tiền với 17 năm đó sẽ được: 7.956 tỷ đồng. Một con số khiến bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng về lợi nhuận “siêu thực” từ việc đầu tư các tuyến BOT. “Núi tiền siêu thực” đó ở đâu ra? Chắc chắn từ túi Nhân dân, những người đang ngày ngày phải “nai lưng” cõng phí trên các tuyến đường BOT. Trong khi đó, liên danh nhà thầu còn đang mải “hậm hực” với nhau về khoản ăn chia. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định: “Nguồn lợi quá lớn nên giữa họ nảy sinh mâu thuẫn là chuyện bình thường thôi”. Đúng như ông Bùi Danh Liên nói, chuyện mâu thuẫn lợi ích trong làm ăn chung là bình thường và dễ thấy, chỉ thực tế tiền đường đắt hơn tiền xăng dầu là khó thấy với họ mà thôi.

Nhập nhèm tiền phí

Để tìm hiểu thực hư mức doanh thu thu phí cao tốc BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cienco1 đã bỏ hẳn số tiền 7,5 tỷ đồng, thuê Công ty TNHH Frontier Solution lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát lưu lượng trên tuyến. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản chỉ là bỏ tiền lắp máy rồi cứ việc ngồi đếm và tính với nhau. Phía Cienco1 cho biết, MPC thường xuyên cử người cản trở, dùng biển báo hoặc xe tải che chắn camera khiến việc “đếm xe tính tiền” gần như không thể thực hiện được.

Hiện đang có 2 luồng dư luận trái chiều về vấn đề này. Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Hồng Trường lên tiếng rằng: “Việc này bây giờ thuộc về Ban điều hành Công ty MPC, đại hội cổ đông sẽ quyết định. Cienco 1 không có quyền can thiệp vào. Bộ đã trả lời rõ cho Cienco1 rồi”.

Ở chiều ngược lại, Cienco1 vẫn đang tiếp tục trình Bộ Tài chính xin được đưa công nghệ tiên tiến vào giám sát quá trình thu phí trên tuyến và như ông Đinh Ngọc Đàn khẳng định, việc này chỉ có lợi cho tất cả các bên.

Trong khi đó, cả đôi bên đều dường như quên mất, chính người dân cũng rất cần được theo dõi, kiểm soát doanh thu thu phí cao tốc BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Bởi những đồng phí ấy là từ trong túi họ mà ra. Nó đi về đâu, dành cho ai, có đúng và xứng đáng hay không, họ có quyền và muốn được biết rõ hơn ai hết!

Thời gian qua, dư luận “khản tiếng” đề xuất, kiến nghị về tình trạng các trạm thu phí gần nhau một cách kỳ lạ, tiền đường nhiều đến “ngộp thở”. Có ý kiến còn cho rằng, người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến BOT đã trở đàn bò sữa của DN; thậm chí không ít ý kiến nghi ngờ có “lợi ích nhóm” trong các dự án BOT. Tất cả vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, thông tin về doanh thu từ các dự án BOT vẫn xa xôi mịt mờ. Nhiều ý kiến thẳng thắn: “Như Cienco1 họ còn có 7,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống giám sát chứ người dân thì lấy đâu ngần ấy tiền để chi cho việc “đếm xe”. Tất cả chỉ trông chờ vào vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước mà thôi”.

Trả tiền nhiều, đường vẫn tắc

Đại diện Cienco1 - Phó Tổng Giám đốc Đinh Ngọc Đàn lập luận: “Nếu lưu lượng phương tiện được phản ánh chính xác qua doanh thu thu phí thì thời gian hoàn vốn của dự án sẽ ngắn lại, Nhà nước sẽ sớm được tiếp quản đường từ DN. Việc này có lợi cho chính Nhà nước và tất cả người dân tham gia giao thông”. Nhiều chuyên gia hồ nghi, liệu đây có phải những lời thực tâm hay chỉ mang tính hình thức?

Giảng viên trường Đại học GTVT, TS Đặng Minh Tân chia sẻ: “Ở nhiều nước phát triển như Nhật, Pháp… người dân họ vui vẻ chấp nhận mức phí cao để được đi trên các tuyến BOT. Bởi, chất lượng đường tốt, lưu thông nhanh, họ cảm thấy cái giá trả cho đường BOT là xứng đáng”. Thế nhưng, thời gian gần đây, cửa ngõ phía Nam Hà Nội thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc dài từ trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ rồi lan đến tận nội thành. Theo ước tính, chỉ trong ngày 2/5 vừa qua, có 41.000 lượt xe lưu thông trên tuyến đường này, trong khi đó đường chỉ có 4 làn xe chạy, mỗi trạm thu phí trở thành một cửa ải “hãm” dòng phương tiện. Trả tiền nhiều, đường thì tắc nên tất yếu người dân không vui vẻ gì với đường BOT. Mong muốn “Nhà nước sẽ sớm được tiếp quản đường từ DN” thực sự quá xa vời nếu so với những vấn đề thiết thực nhất người dân hiện đang trông đợi là: phí vừa phải và đường không tắc.

Câu chuyện “tố” nhau nhập nhèm trong thu phí giữa các cổ đông sáng lập MPC những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhưng, dù có hay không việc thất thoát phí, cổ đông nào được nhiều hay ít thì phần thiệt thòi vẫn do người dân gánh chịu.

Để minh bạch thu chi, bảo vệ quyền lợi cho người dân, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành chức năng có liên quan cần nhanh chóng đưa hệ thống camera, thiết bị công nghệ vào các tuyến BOT để giám sát việc thu phí, cân đối lợi ích các bên, đưa tiền phí cầu đường BOT về đúng hạn mức của nó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần