KTĐT - Từ đầu năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp cà phê trong nước như ngồi trên lửa khi xuất hiện hàng chục doanh nghiệp nước ngoài xây dựng mạng lưới thu mua tới tận trang trại của nông dân các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Trần Viết Thuận, một hộ dân trồng cà phê tại thị trấn Nam Ban huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, năm nay trên địa bàn huyện xuất hiện khá nhiều đơn vị thu mua là doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù chưa mua trực tiếp từ tay nông dân, vẫn thông qua hệ thống thương lái.
Theo ông Thuận, việc mua bán dễ dàng, nếu như trước đây dân bán cho các công ty trong nước nhanh nhất cũng phải từ ba đến bốn ngày mới được nhận tiền, thì nay bán cho các đầu mối của doanh nghiệp nước ngoài chỉ một đến hai ngày là được nhận tiền.
“Hơn nữa giá bán còn nhỉnh hơn so với mặt bằng giá trên thị trường, ai mua giá cao thì chúng tôi bán…”- ông Thuận nói.
Giới kinh doanh cà phê trong nước cho rằng, sự có mặt của doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua đã góp phần làm cho giá cà phê được đẩy lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Gạo và cà phê là hai mặt hàng được giới kinh doanh nông sản chú ý nhất hiện nay. Trong khi gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp nước ngoài muốn vào phải đáp ứng các điều kiện (kho chứa, vận chuyển…) thì cà phê lại không có được sự tự vệ đó. Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê VN (VICOFA) cho rằng theo quy định hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài có quyền kinh doanh xuất khẩu cà phê tại VN nhưng không gồm quyền tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa tại VN để xuất khẩu. |