Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội để phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua khó khăn, kinh tế Thủ đô vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ vào sự nỗ lực của doanh nghiệp, cũng như các giải pháp hỗ trợ từ thành phố. Từ nay đến cuối năm, dư địa hợp tác vẫn còn nhiều đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt để phát triển...

Tăng trưởng nhẹ trong khó khăn

Thực tế cho thấy, trong những tháng cuối năm 2022 và từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp tại nhiều lĩnh vực đều gặp khó khăn do đơn hàng sụt giảm, thị trường bị thu hẹp và nhu cầu từ người tiêu dùng yếu... Nguồn tài chính để doanh nghiệp duy trì, đầu tư bị cạn kiệt. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước, cũng như các ngân hàng thương mại xem xét giảm thiểu các điều kiện vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật như giảm 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (ngoài cùng bên phải)  trong buổi ra mắt sản phẩm OCOP của doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Khắc Kiên
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (ngoài cùng bên phải)  trong buổi ra mắt sản phẩm OCOP của doanh nghiệp thành viên. Ảnh: Khắc Kiên

Càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng tiếp cận dễ dàng hơn và tổng số vốn vay được nhiều hơn; đề xuất ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ từ quý III, IV/2022 đỡ gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp. Hiện, tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp kỳ vọng muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số doanh nghiệp trên địa bàn và đang đóng góp khoảng 50% GRDP cho Hà Nội. Kể từ đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Thủ đô có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Để có kết quả này không thể không kể tới vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Tính đến hết 8 tháng năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhẹ, khoảng 3 - 4%, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2022 do tính tổng chi phí đầu tư, nguyên phụ liệu và nguồn vốn tăng khiến lợi nhuận mỏng đi, nhưng các doanh nghiệp lại có sự tăng trưởng bền vững nhờ chính sách hỗ trợ.

Giới thiệu  sản phẩm trong buổi kết nối giao thương tại Công ty CP 22. Ảnh: Khắc Kiên
Giới thiệu  sản phẩm trong buổi kết nối giao thương tại Công ty CP 22. Ảnh: Khắc Kiên

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Chính phủ, TP Hà Nội có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Từ đầu năm đến nay, có tất cả 4 lần giảm lãi suất, điều chỉnh 38 loại thuế, phí... Hà Nội có nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn khởi công dự án vành đai 4, mở rộng nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là việc kích cầu tiêu dùng 8 tháng qua là vô cùng quan trọng. Sức mua trong dân được cải thiện, tăng đến 10,4% là chỉ số quan trọng khi giảm hàng hóa tồn kho.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Rõ ràng, các giải pháp là những liều thuốc trợ lực cho doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kịp thời, nhanh chóng bắt kịp cơ hội phục hồi. Nhiều doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý hiệu quả để tinh giảm bộ máy, tìm kiếm đối tác, kết nối thông qua các chương trình giao thương…

Trong phân xưởng tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Trong phân xưởng tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
 

Hiệp hội chỉ có vai trò cầu nối và hỗ trợ, còn dẫn dắt là ở các cấp, ngành trong việc xây dựng chính sách. Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành thành phố như: Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tài chính; Công Thương về thị trường, hội chợ, khuyến mại giảm giá; Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Du lịch về liên kết, hợp tác… để hỗ trợ doanh nghiệp. Tới đây, được phép của UBND TP, Hiệp hội dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thủ đô lần 2 để chia sẻ, tổng hợp những kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

TS Mạc Quốc Anh

Việc quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nâng lên thành “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện” không chỉ là cơ hội nâng cao vị thế cho kinh tế Việt Nam, mà mang đến cơ hội rất lớn cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, nhiều hợp đồng thương mại và những cam kết về hợp tác, giao thương đã được tuyên bố và ký kết.

“Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Hoa Kỳ” – TS Mạc Quốc Anh thông tin. Đặc biệt, trong Tuyên bố chung giữa hai nước, Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi Hoa Kỳ cũng có số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên sẽ tìm cách liên kết, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

“Thị trường Hoa Kỳ có hơn 300 triệu dân sức mua lớn, khi đứng cạnh đối tác uy tín, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng tầm được vị thế, tăng sự cạnh tranh trên trường quốc tế” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Do đó, những doanh nghiệp nắm vững về khoa học, công nghệ, đầu tư chuyên sâu sẽ có cơ hội lớn để thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp Hà Nội hiện đã có nhiều sản phẩm phân phối vào thị trường Hoa Kỳ như nhựa, cà phê, bao bì, gạo, dệt may… đang là tín hiệu cho sự tăng trưởng khi kinh tế thế giới dần phục hồi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ ký kết. Với vị trí chiến lược trong khối ASEAN cùng sự phát triển mạnh về công nghệ, nhân lực và chính sách thu hút đầu tư, cơ hội cho các doanh nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.

Từ chính sách hỗ trợ và cơ hội, TS Mạc Quốc Anh khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động hơn trong tiếp cận để thụ hưởng, tham gia các chương trình kết nối, giảm giá, khuyến mại tại các địa bàn trên toàn quốc, nhất là các vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, phải chủ động về nguồn nguyên vật liệu, cơ cấu lại phương án kinh doanh để tăng tính bền vững, hỗ trợ phát triển. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tìm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm, có phương thức ứng phó, cũng như cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh...