70 năm giải phóng Thủ đô

Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định của EVFTA khi thực thi hiệp định

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) mang lại, DN nhỏ và vừa cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Để vượt qua thách thức đòi hỏi DN cần nắm rõ các quy định của EVFTA.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA" do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức ngày 5/6.
Nhiều khó khăn thách thức khi EVFTA có hiệu lực
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên khoảng 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD vào năm 2000, lên trên 56 tỷ USD vào năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD vào năm 2000, lên 41 tỷ USD vào năm 2019.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs) Nguyễn Văn Thân, khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa có chất lượng cao...
Thị trường EU với 27 quốc gia, dân số khoảng hơn 450 triệu người, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD sẽ là thị trường khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Thách thức lớn nhất mà các DN vừa và nhỏ phải đối mặt là các các rào cản kỹ thuật như: An toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp…
Toàn cảnh hội nghị ''Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA''.

Ngoài ra, khi nền kinh tế mở cửa theo các cam kết EVFTA, các quá trình dịch chuyển sản xuất bắt đầu hình thành và làn sóng các nhà đầu tư từ EU sẽ tràn vào, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lao động trong các ngành. Vậy nên, sẽ có các ngành nghề thiếu lao động cục bộ.
"Hiện nay DN Việt thiếu thông tin thị trường EU, cũng như những thông tin về các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Các DN Việt Nam cũng chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU và DNNVV Việt Nam còn thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, sức ép này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là cộng đồng DN phải đổi mới, nâng cao công tác quản trị để vươn lên", ông Thân nói.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị các DN có chung kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, để xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế, để phù hợp với các quy định của EVFTA.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn về EVFTA, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch hiệp hội DNVVN Nguyễn Văn Thân chủ trì hội nghị.

Trước những kiến nghị của các DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Nhằm hỗ trợ DN vượt khó Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ để triển khai EVFTA. Kế hoạch này sẽ được ban hành ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định.
"Nhằm hỗ trợ cho các DN trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết về việc thực thi EVFTA, bên cạnh sự hộ trợ về vốn, nguồn lực của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam mở các khóa đào tạo về kỹ năng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp thành viên cả bằng hình thức trực tuyến và ngoại tuyến", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cũng cho rằng, các DN cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.
Xuất khẩu nông sản sang EU

Đối với DN SMEs, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp SMEs Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó dưới góc độ địa phương khi nói về việc hỗ trợ DN tiếp cận EVFTA, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nêu rõ: Xác định DN là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội coi công tác hỗ trợ DN nhất là DN nhỏ là nhiệm vụ trọng tâm nên TP Hà Nội luôn áp dụng mức hỗ trợ tối đa cho doanh nghiêp theo quy định khung của Chính phủ. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi EVFTA, Thành phố đã xây dựng "Kế hoạch Thực hiệnEVFTA TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025".
Trong đó chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Trong nhiệm vụ này, Thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ý kiến của Bộ Công Thương và các chuyên gia cho thấy để tận dụng những lợi ích mà EVFTA mang lại bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước còn đòi hỏi chính bản thân DN phải tìm hiểu những quy định, quy tắc của hiệp định.