Thương mại thuỷ sản Việt - Trung tăng trưởng mạnh
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản giữa Việt Nam - Trung Quốc” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 8/3, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
“7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm: Tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỉ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu...” - ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam với riêng tỉnh Quảng Tây, đại diện VASEP cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc.
“Các bộ ngành cần tiếp tục hỗ trợ tích cực, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt là cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam...”
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam
Dù kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản và các sản phẩm thuỷ sản thời gian qua vào Trung Quốc mang lại giá trị khả quan, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn còn nhiều khó khăn. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến Trần Văn Út cho biết, doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt và chợ Biên Mậu Móng Cái - Đông Hưng; thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới.
Tuy nhiên, theo ông Út, công ty hiện đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng. Nguyên nhân là do đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi báo cáo tài chính với cơ quan Thuế.
Một số doanh nghiệp cũng nêu nên vướng mắc trong đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Theo đó, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm.
Mặt khác, phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân một số doanh nghiệp cũng chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn...
Doanh nghiệp cần làm gì?
Thông tin tại Diễn đàn thương mại Việt - Trung tổ chức sáng 8/3, Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) Trần Thị Bích Ngọc cho biết, hiện nay, hoạt động thông quan hàng thủy sản và các sản phẩm thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái. Hoạt động này có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cùng như số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, bà Trần Thị Bích Ngọc khuyến nghị các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng “chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, cũng như tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu…
Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, doanh nghiệp thủy sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía Trung Quốc cấp. Bằng không, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép.
Hiện, Trung Quốc đã cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản. Do đó, ông Tiệp đề nghị doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là HS code, nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan.
Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thông tin thêm, Việt Nam đang đàm phán nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Hiện, mặt hàng hàu sống đã cơ bản hoàn thành thủ tục, còn mặt hàng tôm ướp đá, sứa muối đang tiếp tục được đánh giá nguy cơ.
Để thúc đẩy thương mại thuỷ sản Việt Nam - Trung Quốc, Bộ NN&PTNT lưu ý các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại.
Bộ NN&PTNT đã có khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER); phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm. Về phía các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị cần tập trung ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng mở cửa thời gian qua là tin vui cho doanh nghiệp và các cơ quan hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Thông qua Diễn đàn tổ chức sáng 8/3, Bộ NN&PTNT mong muốn thông tin kịp thời tình hình mở cửa xuất khẩu giao thương giữa 2 nước thông qua cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan phía Trung Quốc giải quyết thắc mắc của các doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy giao thương nông sản Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.