Doanh nghiệp cần xây dựng mô hình kinh doanh gắn với CNTT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn phát triển trong thời đại số hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, DN cần xác định rõ mô hình kinh doanh gắn với CNTT, có thể lựa chọn áp dụng trong số 4 mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Vĩnh Thái, Giám đốc Công nghệ – Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprice (HPE) tại Hội thảo “Giải pháp hạ tầng CNTT cho mô hình kinh doanh mới” do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 7/1 tại Hà Nội.

Các mô hình kinh doanh được ông Thái đề cập bao gồm: Thứ nhất là mô hình chủ động quản trị rủi ro. Ví như hãng Uber, hàng năm họ thiệt hại 1 tỷ USD do các “chiêu trò” của tài xế Trung Quốc nhưng họ vẫn chấp nhận vì lợi nhuận họ thu về 6 tỷ USD mỗi năm. Họ xác định rủi ro là không thể không xảy ra, quan trọng là DN luôn quản trị được rủi ro.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hai là, tạo ra DN làm việc theo ngữ cảnh. DN có nhiều khách hàng có thể quản lý qua các công cụ CNTT. Ví dụ khi xử lý các thông tin phản hồi từ khách hàng DN sẽ thu được những góp ý để cải thiện sản phẩm của mình mang lại sự hài lòng cho khách hàng. “Khi khách hàng hài lòng thì ta thu lại giá trị lớn” – ông Thái nói.

Thứ ba là mô hình tận dụng công nghệ, kết nối. Số người sử dụng smartphone đang tăng nhanh. DN cần tận dụng điều này để gia tăng giao tiếp với khách hàng của mình. Với mô hình này, việc gia tăng doanh số sẽ rất nhanh chóng.

Thứ tư là mô hình dùng hệ thống hạ tầng dạng live. Với mô hình này, DN hoàn toàn có thể dùng điện toán đám mây để tạo ra giá trị.

Trước đó, tại hội thảo, ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, sự bùng nổ của CNTT với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Nhận thức được tầm quan trong của CNTT trong chiến lược phát triển, nhiều DN Việt Nam đã mạnh dạn và chủ động đầu tư, áp dụng những thành tựu của CNTT vào hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của DN mình và đã đạt được những thành công nhất định. 

Tuy nhiên, đa số DN Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của CNTT và vẫn còn đang loay hoay chưa tìm được mô hình CNTT phù hợp với năng lực tài chính và mục đích của DN mình.

Thời gian tới, để hỗ trợ DN trong việc áp dụng, triển khai các giải pháp về CNTT, VCCI sẽ phối hợp với các cơ quan, các trung tâm, viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ, tăng cường sự hợp tác quốc tế và các nguồn lực xã hội, chung tay vì mục tiêu phát triển DN. VCCI sẽ không đứng ngoài xu thế phát triển để hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Tư vấn cho các DN áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh và tăng năng suất lao động.