80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Doanh nghiệp “chây ỳ” không bàn giao mặt bằng

Kinhtedothi - Mặc dù đã lập biên bản bàn giao mặt bằng khu đất Trạm bơm Cầu Ngà thuộc địa bàn phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ tháng 6/2018, nhưng đến thời điểm hiện tại Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Hà Nội vẫn “chây ỳ” không chịu bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương và đang tìm cách dây dưa, trì hoãn để “cò cưa” đòi nâng giá bồi thường.
“Cò cưa” đòi nâng giá bồi thường
Căn cứ theo Quyết định số 6494/UBND-QHKT ngày 28/8/2014 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt địa điểm quy hoạch để nghiên cứu xây dựng trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, thuộc dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ, tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Theo đó, dự án được TP Hà Nội phê duyệt với tổng diện tích 66.841,8m2. Trong đó, có phần đất thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Từ Liêm với diện tích trên 3.355m2.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ Nguyễn Đăng Cường, vào năm 2000, Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) đã ký hợp đồng thuê đất số 52-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ ngày 28/3/2000, với Công ty khai thác công trình thủy lợi Từ Liêm (nay là Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Từ Liêm, thuộc công ty TNHH 1 thành viên phát triển sông Nhuệ), với thời hạn cho thuê là 10 năm.
Sau đó Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Từ Liêm đã cho Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Hà Nội thuê lại để làm nhà xưởng sửa chữa máy móc xây dựng và xe trộn bê tông, do không được xây dựng công trình kiên cố nên đơn vị này đã dùng tôn để làm nhà xưởng tạm thời.
 Cổng vào khu sửa chữa của Công ty Kỹ thuật xây dựng Hà Nội "án ngữ" ngay trước cổng Trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh cảnh sát biển (Ảnh: Doãn Thành).
Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của Trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh cảnh sát biển đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn phần nhà xưởng tạm của Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Hà Nội vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương để bàn giao cho Bộ Tư lệnh cảnh sát biển.
“Khúc mắc lớn nhất hiện nay đó chính là vấn đề về giá đền bù tài sản trên đất, bên phía Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Hà Nội không chấp thuận với mức giá đền bù theo khung quy định của TP đối với phần tài sản trên đất mà đơn vị này đã bỏ tiền ra để xây dựng, mà đòi giá cao hơn. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức làm việc, vận động, nhưng đơn vị này vẫn chưa chấp thuận, dẫn đến tình trạng dây dưa, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được” - ông Nguyễn Đăng Cường cho hay.
Trước đó, vào ngày 13/6/2018, đại diện Bộ Tư lệnh cảnh sát biển và Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các hạng mục công trình trên đất. Hai bên đã cam kết phương án hỗ trợ, đền bù phần tài sản đang thuộc quyền sở hữu của Công ty này và Công ty có trách nhiệm phải giải phóng các hạng mục xong trước ngày 20/6/2018.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phía doanh nghiệp vẫn “chây ỳ” không bàn giao và không chấp thuận mức giá đền bù theo khung quy định. Khiến cho chính quyền địa phương không thể thu hồi được mặt bằng để bàn giao và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng không thể kiện toàn hệ thống trụ sở cơ quan theo đúng tiến độ đề ra.
Sẽ cưỡng chế nếu không tuân thủ
Tại khoản 4, Điều 2 hợp đồng thuê đất số 52-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ, giữa Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội với Công ty khai thác công trình thủy lợi Từ Liêm có ghi rõ: “Khi nhà nước có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích khu đất thuê để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị thì Bên thuê đất phải bàn giao lại mặt bằng đất và được đền bù theo quy định của Nhà nước”.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam, hợp đồng đã ghi rõ nội dung mà Bên thuê đất cần thực hiện. Vì vậy, bên thuê phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng các điều, khoản hợp đồng; mặc dù bên thuê cho đơn vị thứ 3 khác thuê lại, thì đơn vị này cũng phải thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng với đơn vị cho thuê trước đó.
“Trách nhiệm của bên thứ ba là phải bàn giao lại mặt bằng theo đúng cam kết của hợp đồng, nếu trong trường hợp bên cho thuê lại không công khai các điều khoản hợp đồng đã ký trước đó, để thuận lợi cho việc đem đi cho thuê lại, thì bên thứ ba hoàn toàn có quyền yêu cầu bên cho thuê bồi thường hợp đồng cho mình” - Luật sư Thơm nói.
 Theo quy định, diện tích được sử dụng làm mặt bằng sửa chữa phải cách mép bờ sông 05m, nhưng thực tế đơn vị sửa chữa đang lấn chiếm hết phần đất lưu không này để làm mặt bằng hoạt động (Ảnh: Doãn Thành).
Đối với vấn đề gấp rút phải bàn giao mặt bằng cho Bộ Tư lệnh cảnh sát biển kiện toàn hệ thống trụ sở cơ quan. Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ Nguyễn Đăng Cường cho biết thêm, phường đã có báo cáo lên quận để xin phương án xử lý, vì đây là công trình liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh.
“Phường vẫn đang tiếp tục vận động, tuyên truyền phía Công ty nhận tiền bồi thường và bàn giao lại địa bàn. Nhưng trong trường hợp Công ty cố tình không tuân thủ, chúng tôi đã báo cáo phương án lên quận rồi, khi đó sẽ thực hiện chế tài theo đúng quy định của pháp luật, đó là tổ chức cưỡng chế” - ông Cường nói.
Được biết, ngày 12/7/2019, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển đã có Công văn số 8082/HC-DT thông báo tiến độ thực hiện GPMB xây dựng Trụ sở cơ quan Bộ Tư lệnh cảnh sát biển. Đôn đốc các cơ quan chức năng địa phương đẩy nhanh công tác GPMB của dự án.
Kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chính phủ ban hành Nghị quyết gỡ vướng quy hoạch phân khu sau sắp xếp đơn vị hành chính

Chính phủ ban hành Nghị quyết gỡ vướng quy hoạch phân khu sau sắp xếp đơn vị hành chính

18 Jul, 08:55 PM

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66.1/2025/NQ-CP ngày 18/7/2025 quy định xử lý khó khăn, vướng mắc về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Làng nghề vật liệu truyền thống giữa “bão” công nghệ xanh

Làng nghề vật liệu truyền thống giữa “bão” công nghệ xanh

18 Jul, 05:02 AM

Kinhtedothi - Là một phần không thể thiếu trong dòng chảy phát triển đô thị, các làng nghề vật liệu xây dựng (VLXD) truyền thống ở Hà Nội từng đóng vai trò quan trọng trong cung ứng gạch ngói, vôi vữa và các sản phẩm thủ công phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, trước làn sóng công nghệ xanh và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, các làng nghề này đang phải đứng trước lựa chọn đổi mới hoặc bị đào thải.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ