Một thương hiệu nhiều doanh nghiệp dùng
Đi tìm Open Tour - Sinh cafe của Công ty Du lịch Hanoi Toserco (thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội), khách du lịch dễ lạc vào ''mê hồn trận'', bởi thương hiệu này bị nhái nhiều năm nay. Hiện, Sinh "giả" nhiều gấp 8 lần Sinh "thật". Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Toserco cho biết: Nhãn hiệu Open tour - Sinh cafe được đăng ký tại Cục Sở hữu Công nghiệp từ năm 1997 và trở nên nổi tiếng. Nhưng từ năm 1999, thương hiệu này bắt đầu phải đối mặt với tình trạng bị đánh cắp tên đăng ký. Hà Nội Toserco đã nhiều lần gửi đơn tố cáo tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá đến các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa có một văn phòng Sinh "nhái" nào bị xử lý.
Không chỉ có Hanoi Toserco mới lâm vào tình trạng này mà nhiều DN du lịch lữ hành khác cũng đang trong tình trạng tương tự.
Thương hiệu Sinh cafe bị nhiều doanh nghiệp nhái lại. Ảnh: Hoài Nam
Hoạt động từ tháng 10/1989, Công ty CP Du lịch Hòa Bình nằm trong tốp 10 DN nghiệp lữ hành hàng đầu, được khách du lịch tín nhiệm. Đến tháng 11/2011 lại có thêm một DN mới, lấy tên là Công ty CP Du lịch Hòa Bình TP Hồ Chí Minh có logo, chương trình du lịch tương tự và nhận là chi nhánh của đơn vị. Công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt cũng có đến 3 công ty trùng tên mới thành lập sau cũng kinh doanh lữ hành. Đó là: Công ty TNHH thương mại và du lịch Lửa Việt (Hà Nội), Công ty CP thương mại và du lịch Lửa Việt (Nam Định), Công ty TNHH Du lịch - du học Lửa Việt (TP Hồ Chí Minh). Khi chào tour và giao dịch với khách, các công ty này đều ghi chung là Lửa Việt.
Nhiều DN khẳng định, việc bị "nhái" thương hiệu không chỉ DN bị ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín với khách hàng mà ngay cả du khách cũng bị thiệt hại bởi những tour kém chất lượng do các DN "nhái" đưa ra.
Luật sơ hở
Sở dĩ có tình trạng trên là do Luật DN và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đi kèm liên quan đến đăng ký DN có một số điểm chưa chặt chẽ, từ đó, nhiều DN lợi dụng kẽ hở đăng ký trùng tên gọi với DN khác mà pháp luật khó xử lý.
Theo Luật DN và Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì tên riêng của DN bao gồm cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, nên nếu giống từng từ trong cả tên thì mới xem là tên trùng hay tên gây nhầm lẫn. Vì vậy, DN đăng ký sau chỉ cần thay đổi một từ rồi sử dụng tên riêng ghép vào là đương nhiên được cấp phép đăng ký kinh doanh.
Theo luật sư Chu Khang, Trưởng Văn phòng luật sư Hà Nội: Trong quy định của pháp luật hiện nay là không đưa ra quy định cụ thể về việc xử lý đối với DN vi phạm khi họ nhất định không chịu thay đổi tên. Ngoài ra, những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hiện chỉ bị xử lý về hành chính mà chưa có quy định nào về việc rút giấy phép kinh doanh.
Để ngăn chặn tình trạng này, lập lại trật tự trong hoạt động du lịch lữ hành, nhiều DN kiến nghị, trong thời gian tới Nhà nước và Bộ VHTT&DL cần bổ sung trong Luật DN đầy đủ hơn các quy định về đăng ký tên DN và việc bảo hộ thương hiệu cho DN; cho phép Sở KH&ĐT sau khi thông báo về hành vi vi phạm về thương hiệu mà DN không sửa đổi thì rút giấy phép kinh doanh để đảm bảo lợi ích của DN.
Tuy nhiên, trước khi hệ thống văn bản pháp luật được sửa đổi, trước mắt DN phải tự bảo vệ mình bằng cách mạnh dạn khởi kiện những đơn vị vi phạm, không dung dưỡng những hành vi này. Mặt khác, DN nên chú ý đăng ký bảo hộ thương hiệu ở cả trong nước và quốc tế.