Doanh nghiệp chung tay cải cách thể chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chủ đề của Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án “Quản trị nhà nước nhằm Tăng trưởng toàn diện” của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức sáng 19/3, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 (gọi tắt là Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Đây được coi là bước đi quyết liệt nhằm hiện thực hóa công tác đổi mới thể chế của Chính phủ. Song, việc đổi mới thể chế thành công hay thất bại, DN lại có vai trò quyết định.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nghị quyết 19 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN. Theo đó, năm 2015 phấn đấu chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta và vượt mức trung bình của các nước ASEAN+6 thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm; nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; thực hiện thủ tục kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thời gian hàng hóa nhập khẩu qua biên giới tối đa là 13 ngày với hàng hóa xuất khẩu; 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu… So sánh các tiêu chí đánh giá với các nước ASEAN+6 và ASEAN+4 cũng cho thấy, một vài tiêu chí về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình. 

Theo ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế (VCCI), với Nghị quyết này, Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu để cải cách. Hiện nay, theo đánh giá của DN, tinh thần giảm thủ tục, giảm chi phí, tăng công khai minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình với DN... đã lan tỏa đến hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Còn DN đã qua giai đoạn chỉ kêu ca, phản ánh, mà quan trọng hơn đã chủ động tham gia phản biện (thể chế), hiến kế các giải pháp cho cơ quan quản lý và hoạch định chính sách.

Bộ GTVT được xem là đơn vị đi đầu trong việc chuyển giao dịch vụ công xã hội cho thị trường, ngành này cần tiếp tục được coi là mũi quan trọng của cải cách. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngành Tài chính cũng có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục thuế, hải quan, thường xuyên tổ chức đối thoại lấy ý kiến góp ý của DN về các quy định của ngành. “Tôi có cảm nhận sâu sắc là cơ quan tài chính đang thay đổi tư duy mạnh. Giai đoạn 2015-2016 ngành tài chính chắc chắn sẽ thực hiện được các nghị quyết Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 19” - bà Lan tin tưởng. 

Tuy nhiên, để công cuộc cải cách thể chế thực sự đạt được bước đột phá, ông Lộc nhấn mạnh, vai trò của DN là vô cùng quan trọng, DN cần thường xuyên kiến nghị và phản ánh thông tin cho Chính phủ thông qua các hiệp hội và VCCI. Các hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc làm cầu nối đưa tiếng nói của DN đến với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách. Cũng theo ông Lộc, thời gian tới Việt Nam sẽ dành nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực cho các hiệp hội, tạo tiền đề hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần