Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp công nghệ cần phát triển theo hướng "Make in Việt Nam"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019 vừa diễn ra, Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT tập trung thời gian tới là xây dựng chính sách phát triển hiệu quả doanh nghiệp công nghệ Việt Nam theo hướng “Make in Việt Nam”.

Vấn đề thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trước đó đã được Chính phủ đề cập đến trong liên tiếp 2 Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 và tháng 5/2019. Cụ thể, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2019, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
 Ảnh minh họa
Tiếp đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Bộ TT&TT được yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành TT&TT diễn ra ngày 6/7 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ định hướng hoạt động của Bộ nửa cuối năm nay với lĩnh vực công nghiệp ICT, đó là tập trung thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, về “Make in Việt Nam”.
Thúc đẩy phát triển 4 loại doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp; các doanh nghiệp ICT đang hoạt động nhận sứ mạng mới về phát triển sản phẩm Việt Nam và chuyển đổi số cho đất nước; doanh nghiệp tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cả về công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
Theo chia sẻ của đại diện Vụ CNTT cũng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đang được cơ quan này phối hợp cùng các đơn vị liên quan xin ý kiến các bộ, ngành cũng như lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, trước khi hoàn thiện để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Đại diện Vụ CNTT cũng bày tỏ sự kỳ vọng khi Chỉ thị được Thủ tướng Chính phủ thông qua, chúng ta sẽ có một cẩm nang hành động hiệu quả, đạt được các mục tiêu về phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, các sản phẩm “Make in Việt Nam”.
Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất tham vọng, đó là đến năm 2030 sẽ phát triển một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đạt khoảng 100.000 doanh nghiệp và nhằm hiện thực hóa chủ trương “Make in Việt Nam”, Việt Nam sẽ thuộc 3 nước dẫn đầu về công nghệ trong khu vực ASEAN.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ TT&T đã đề xuất các chương trình cần triển khai, các chính sách thúc đẩy phát triển và các công nghệ định hướng cho các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, sản xuất, phát triển...
Theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 4 khu CNTT tập trung; khoảng 58.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT; khoảng 1,3 triệu người lao động trong lĩnh vực Công nghiệp ICT.
Tổng doanh thu ước đạt thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 là 1.122.400 tỷ đồng, bằng 108,70% so với cùng kỳ năm 2018; và nộp ngân sách nhà nước nửa đầu năm nay ước đạt 25.000 tỷ đồng, bằng 105% so với cùng kỳ năm ngoái.