Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp công nghệ số: Đồng lòng vươn ra biển lớn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong số hơn 70.000 DN công nghệ số có khoảng 1.400 DN đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Và đây cũng là xu thế chung khi việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài là hướng đi gần như bắt buộc với DN công nghệ số Việt nếu muốn phát triển lên tầm cao mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long xem trình diễn công nghệ tại gian hàng của FPT. Ảnh Đinh Tùng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long xem trình diễn công nghệ tại gian hàng của FPT. Ảnh Đinh Tùng

Dư địa thị trường quốc tế là vô tận

Là “cánh chim đầu đàn” mở ra xu hướng toàn cầu hóa cho DN công nghệ số
Việt Nam, Tập đoàn FPT đã có 20 năm kinh nghiệm “mang chuông đi đánh xứ người” khi hiện diện tại 27 quốc gia với nhiều thành tựu nổi bật. Nhưng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa, kết quả này có được không hề dễ dàng, thậm chí đã nhiều lần thất bại.

Nhìn lại quá trình xuất ngoại hơn 2 thập kỷ này, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT đã khởi đầu với những con số không: Không thương hiệu - không tiền - không kinh nghiệm. Chính vì vậy, trong năm 1999, FPT đều thất bại với các văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ khi đã tiêu tốn hàng triệu USD nhưng không có được hợp đồng nào.

Điều tương tự cũng xảy ra khi FPT bước chân vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên với nhiều lần quyết tâm làm lại, cùng với đó là quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển đã giúp FPT có được thành công tại đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, FPT đang có khoảng 10.000 nhân sự làm việc cho các khách hàng Nhật, đây chính là cơ sở quan trọng để Tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường khác như Mỹ, châu Á và châu Âu.

Là một cái tên nổi bật khác trong số DN công nghệ số Việt hiện diện ở thị trường nước ngoài, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ cũng đang trong giai đoạn gặt hái thành công. Hiện, Viettel đang có mặt tại 11 quốc gia, cung cấp dịch vụ cho hơn 220 triệu khách hàng tại 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Mỹ). Hiện, Tập đoàn này đang giữ vị trí số 1 về viễn thông tại 5 thị trường gồm: Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như chuyển đổi số, giáo dục, thương mại điện tử… ở các thị trường trên. Tính đến hết quý III/2022, thị trường quốc tế đã mang về cho Viettel hơn 6.300 tỷ đồng.

 

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là con số thách thức nhưng có thể làm được. Và DN công nghệ số là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được đến vậy không. Phục vụ tốt nhu cầu trong nước, từ đó làm bàn đạp để tiến ra quốc tế là hướng đi đúng đắn cho DN công nghệ số Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Trên thực tế, xu hướng xuất ngoại của DN công nghệ số Việt đang diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Trong số hơn 70.000 DN công nghệ số thì có khoảng 1.400 DN đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế. Trong khi các DN có tiềm lực lớn sẽ đầu tư quy mô lớn thì DN nhỏ lại lựa chọn thực hiện theo dự án cụ thể. Nói về cơ hội ở thị trường quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dư địa là vô tận. Nhưng để tận dụng được sự “vô tận” này, các DN công nghệ số Việt Nam phải hình thành được đội ngũ thay vì đi ra ngoài một cách đơn lẻ. Các DN “lão làng” cần có vai trò định hướng, dẫn dắt ban đầu đối với DN nhỏ hơn, đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh.

Cần cộng đồng doanh nghiệp công nghệ mạnh

Tổng Giám đốc Tel.red (Mỹ) Joseph Saib đánh giá, Việt Nam hiện có nhiều DN công nghệ số trình độ cao, quá trình chuyển đổi số trong nước được thực hiện rất tốt. Và ngay ở quốc tế, chuyển đổi số cũng đang là nhu cầu tất yếu và không thể đảo ngược. Thời điểm hiện tại, quyết tâm ra nước ngoài của DN Việt cũng tương tự như với DN Mỹ ở thung lũng Silicon vài thập niên trước đây. Ấn Độ cũng từng ở vị thế như ở Việt Nam nhưng dần từng bước trở thành trung tâm phần mềm của thế giới.

Về khía cạnh DN, Chủ tịch VMO Holdings - đơn vị đang hoạt động tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan - ông Hoàng Tuấn Hải cho rằng, để tham gia vào thị trường quốc tế, chỉ khát vọng thôi là chưa đủ mà DN Việt cần phải khắc phục những điểm yếu cố hữu của mình. Có thể kể đến như trình độ ngoại ngữ, hạn chế việc thông thạo ngôn ngữ bản địa sẽ khiến DN công nghệ số Việt gặp khó trong việc cạnh tranh với các DN Ấn Độ và Âu Mỹ. Bên cạnh đó, DN Việt thường thiếu tư duy phản biện, trong khi đó khách hàng, đặc biệt là khu vực Âu Mỹ lại đánh giá rất cao điều này trong khâu tư vấn. Đồng thời việc có văn phòng đại diện ở nước sở tại cũng là yêu cầu thiết yếu.

Còn theo Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các DN để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Để làm được điều này, Việt Nam cần có một cộng đồng các DN công nghệ vững mạnh. Trong đó, các đơn vị có vai trò tiên phong cần thể hiện sự dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trở thành người đồng hành với các DN Việt khác tại cả thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để làm được điều này, ông Khoa có 5 đề xuất: Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho DN; Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực; Thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; Đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia; Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.