Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp công nghệ số và hành trình tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Việt Nam đang là quốc gia có sự vươn lên mạnh mẽ về công nghệ số, nhiều DN Việt Nam đã tiên phong tiến ra thị trường thế giới và thành công rực rỡ. Năm 2023 ghi nhận, doanh thu của các DN công nghệ số của Việt Nam trên thị trường quốc tế đạt hơn 7,5 tỷ USD.

Nhân viên FPT giới thiệu sản phẩm công nghệ số tại một buổi hội thảo ở Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Nhân viên FPT giới thiệu sản phẩm công nghệ số tại một buổi hội thảo ở Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Dấu ấn doanh nghiệp công nghệ số Việt

Trong 4 năm qua, tiến ra thị trường nước ngoài là xu thế chung của DN công nghệ số Việt Nam. Ước tính, trong số hơn 70.000 DN công nghệ số, khoảng 1/3 trong số đó đã có sản phẩm hoạt động ở thị trường quốc tế: năm 2022, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là DN Việt Nam đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.

Năm 2023, sản phẩm chip của FPT đang bước đầu hiện diện ở thị trường Mỹ, Nhật. Đồng thời, FPT cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng… Năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các DN công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân.
Công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ USD với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 DN công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).

Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 của FPT ghi nhận tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics... Các thị trường trọng điểm ở nước ngoài của FPT đều tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là DN Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào…

Doanh thu lớn từ thị trường quốc tế

Năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin chỉ đạt 127 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2022. Điểm sáng của thị trường công nghệ thông tin Việt Nam là mảng xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì tăng trưởng 2 chữ số tại thị trường Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Bên cạnh đó, chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 và 2024 tăng trưởng lần lượt 12,3% và 13,1% đã tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Theo ghi nhận, Con số 7,5 tỷ USD là tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài mà khoảng 1.500 DN Việt Nam mang lại trong năm 2023, tăng gần 7% so với năm 2022. Điển hình như FPT cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) chủ yếu từ 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương (cả 3 thị trường đều tăng trưởng trên 30%).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa: “Dù vẫn trong giai đoạn kinh tế biến động, nhưng các DN công nghệ số vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng. Ở thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom tăng trưởng gấp 2 lần; CMC Global tăng trưởng 70%. Thị trường trong nước ghi nhận những con số tăng trưởng lớn như: One Mount tăng 80%; ITSOL tăng 90%; Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%...”. Bên cạnh đó, nhiều DN đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như chip bán dẫn, Generative AI, Blockchain… Các DN trong nhóm này đang hiện diện trên 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, thực hiện chuyển đổi số cho những DN trong danh sách Fortune 500 và những tập đoàn hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có những bước phát triển đáng khích lệ. Sự phát triển thể hiện qua số lượng DN công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29% so với năm trước đó. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện Việt Nam có trên 1.500 DN công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD.

Các báo cáo cho thấy, chi tiêu cho CNTT thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%. Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho CNTT. Đây cũng sẽ là cơ hội lớn để DN Việt có lợi nhuận từ thị trường nước ngoài.