Doanh nghiệp công nghệ thông tin Hà Nội: Cơ hội từ nhu cầu chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số không chỉ là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững mà nó còn mở ra cơ hội cho các DN công nghệ thông tin tham gia vào quá trình chuyển mình mang tính bước ngoặt này.

Hà Nội hướng tới đô thị “Xanh - Thông minh - Hiện đại”
Với việc “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020, tương lai của Việt Nam đã được xác định là một quốc gia số, chuyển đổi sang Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số là yêu cầu bắt buộc nếu muốn phát triển thịnh vượng. Hà Nội, với vai trò Thủ đô của cả nước, sẽ đóng vai trò đầu tàu trong công cuộc chuyển mình mang tính sống còn này. Quyết tâm thay đổi của Hà Nội được thể hiện rõ qua việc thông qua “Chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào tháng 9/2021.
 Công nhân vận hành máy tính vào sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Hàng loạt mục tiêu cụ thể đã được đề ra. Cụ thể tới năm 2025, Hà Nội sẽ thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương vào năm 2030 về chuyển đổi số, CNTT, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2025, Hà Nội đứng đầu trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Đối với phát triển chính quyền số, mục tiêu của Hà Nội đến năm 2025 là 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp TP, 80% hồ sơ cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Cùng với đó, 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, tài chính, bảo hiểm… Từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước TP để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội; tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan Nhà nước có sự tham gia cung cấp của DN hoặc tổ chức ngoài nhà nước…

Đối với phát triển kinh tế số, mục tiêu TP đặt ra là đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%, tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%, hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội.

Về phát triển xã hội số, vào năm 2025, hạ tầng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và smartphone; mọi người dân được truy cập Internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số Hà Nội có tài khoản thanh toán điện tử sẽ chiếm 50%, mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR Code, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập internet cáp quang băng rộng… Tới 2030, Hà Nội được xác định sẽ trở thành TP “Xanh - Thông minh - Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo.

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, Hà Nội đã từng bước thực hiện chuyển đổi số ngay trong bộ máy chính quyền thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi trên.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, TP đã xây dựng được hệ thống họp trực tuyến kết nối trực tiếp đến điểm cầu tại 579 xã, phường, thị trấn. Đưa vào sử dụng các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như phòng, chống dịch bệnh tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số cũng đước đẩy mạnh. TP đã ban hành danh mục 22 cơ sở dữ liệu, tập trung vào các nội dung kinh tế xã hội ; quản lý dân cư, các dự án đầu tư, quỹ đất...
Cổng dịch vụ công TP cung cấp cho người dân và DN hơn 1.600 thủ tục hành chính, trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 468 thủ tục và mức độ 3 là hơn 1.200 thủ tục. Sự chuyển mình sang xu hướng số hoá cũng đã được thực hiện tới cấp huyện của TP. Điển hình là trường hợp của huyện Đan Phượng mới đây đã đưa vào triển khai Hệ thống tiếp nhận ý kiến phản ánh của Nhân dân và DN cùng Hệ thống thông tin báo cáo và chỉ đạo điều hành của huyện. Với hai hệ thống mới, phương thức chỉ đạo, điều hành của UBND huyện Đan Phượng đã được thay đổi mang tính bước ngoặt từ dựa trên thông tin, số liệu báo cáo giấy chuyển sang dữ liệu số nhờ đó bảo đảm cập nhật, kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả.

Cơ hội với doanh nghiệp công nghệ thông tin

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho Hà Nội là một nỗ lực rất lớn, đòi hỏi sự đóng góp, chung tay xây dựng của toàn bộ xã hội, trong đó vai trò của DN công nghệ thông tin sẽ đóng góp chủ đạo. Là địa phương tập trung nhiều đơn vị công nghệ lớn của đất nước như FPT, Viettel, CMC, VNPT… chuyển đổi số cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa DN và chính quyền TP.

Việc chuyển đổi số cho UBND huyện Đan Phượng đang được VNPT Hà Nội thực hiện là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất.

Bên cạnh việc từng bước triển khai mô hình hợp tác công - tư trong chuyển đổi số, Hà Nội cũng chủ động trong việc tạo ra “sân chơi” chung để các DN công nghệ thông tin có thể kết nối tới cộng đồng DN có nhu cầu số hoá hoạt động kinh doanh của mình. Có thể kể đến như “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho DN thành lập mới trên địa bàn TP Hà Nội” của liên minh VNPT - Viettel - MISA - BKAV hay “Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”… đây đều là những địa điểm các DN cung cấp dịch vụ chuyển đổi số có thể giới thiệu giải pháp của mình cũng như đơn vị có nhu cầu dễ dàng tìm được kiếm hướng đi phù hợp với mô hình hoạt động.

Đánh giá về vai trò của DN công nghệ thông tin trên địa bàn với công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: Rất quan trọng. Ngay trong khâu xây dựng Chính quyền số, TP đã xác định phải đẩy mạnh vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước của TP và các tổ chức, DN trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trên ba trụ cột chính là Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số, TP không chỉ cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức mà DN cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo, từ khâu chuyển đổi nhận thức đến kiến tạo thể chế và các nội dung phục vụ chuyển đổi số. “Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho DN công nghệ thông tin có thể tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, TP đã đưa ra nhiều giải pháp từ thay đổi nhận thức của người dân, DN cho đến xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng và thuận tiện hơn.

Đồng thời thúc đẩy các DN khởi nghiệp công nghệ, các DN đổi mới sáng tạo thực hiện tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá áp dụng vào mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội TP”, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết.