Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học cấp TP "Cộng đồng kinh tế ASEAN và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội", Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng, xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay, không loại trừ bất cứ một quốc gia nào, đặc biệt trong đó có Việt Nam.

Xu thế tất yếu

Doanh nghiệp đã sẵn sàng cho hội nhập - Ảnh 1Trước xu thế hội nhập toàn diện hiện nay, thách thức và cơ hội đối với các DN Việt Nam như thế nào, thưa bà?

- Hội nhập là xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay, không loại trừ bất cứ một quốc gia nào, đặc biệt trong đó có Việt Nam. Nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn, điều đó là đương nhiên và thách thức là có nhưng cũng luôn luôn đi cùng với cơ hội. Chắc chắn khi hội nhập sâu và rộng hơn, thì các DN phải tham gia vào cuộc chơi toàn cầu hóa, cạnh tranh nhiều hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho các DN Việt Nam sẽ rà soát và định vị lại mình, để có những chiến lược phát triển phù hợp. Điều đó có nghĩa cho thấy, khi phát triển kinh doanh cần phân tích kĩ càng hơn về môi trường kinh doanh bên ngoài và môi trường kinh doanh bên trong và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, của thị trường, từ đó hoạch định cho DN của mình đi theo hướng nào cho phù hợp.

Vậy DN Hà Nội đã chuẩn bị thế nào cho hội nhập?

- DN Hà Nội cũng giống các DN khác của Việt Nam vì khi phải đối mặt với quá trình hội nhập cũng không tránh khỏi những xu thế và thách thức. Thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh rất rộng lớn và khốc liệt trong toàn diện, trong mọi khía cạnh vì ASEAN là thị trường rộng lớn, có hơn 600 triệu dân. Cạnh ASEAN là thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Á cũng rất hấp dẫn. Việt Nam không chỉ có ASEAN mà chúng ta còn có AFTA và chuẩn bị đón TPP. Tôi nghĩ rằng những thách thức, cơ hội đó sẽ không chỉ hạn chế ở trong khu vực AEC.

Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập, việc cải thiện được năng lực cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập AEC, không riêng gì Hà Nội mà là vấn đề chung cho DN trong nước. Bởi để làm những việc đó, chắc chắn, bản thân DN phải tự làm mới mình. Vì nếu không làm mới mình thì làm sao cạnh tranh được, đó là điều bắt buộc. Đầu tiên phải tăng cường đào tạo cho nhân lực trong công ty, chủ động phát triển sản phẩm mới, tìm ra thị trường cho riêng mình, tìm ra thế mạnh cho DN của mình phát triển. Bên cạnh đó, các DN phải tìm ra xu thế cho thị trường bên ngoài, mình có gì là lợi thế để tập trung vào đó, cái gì không là lợi thế để hạn chế.

Đồng thời, không phải đến bây giờ DN mới được biết, mà TP Hà Nội, VCCI, các Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo nói về hội nhập ASEAN, hội nhập AFTA, rồi TPP từ cách đây mấy năm. Tuy nhiên, lúc này, cảm giác nó nóng hơn bao giờ hết vì thời gian hội nhập đang đến gần. Việc chuẩn bị của các DN phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ, thời gian qua, UBND TP  đã làm rất nhiều việc như có nhiều chính sách cụ thể, quan trọng hỗ trợ cho DN như thành lập tổ công tác tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn về tín dụng, xúc tiến về thương mại, xúc tiến đầu tư… rồi tổ chức những hội chợ liên kết vùng, hội chợ chuyên ngành. Đặc biệt, có những hội chợ rất thành công như là hội chợ về thủ công mỹ nghệ, liên kết vùng, hội chợ đặc sản vùng miền và nhiều hoạt động khác. Nhiều khi không chỉ đơn thuần như vậy mà còn có những hội chợ hợp tác, đặc biệt sau sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, với nhiều sự kiện lớn của TP, nhất là về văn hóa. Qua đó, DN Hà Nội cũng được hỗ trợ, cũng có ảnh hưởng tích cực.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Các DN vừa và nhỏ chiếm phần lớn các DN Việt Nam, vậy họ phải làm gì khi hội nhập, thưa bà?

- Khi hội nhập, các DN vừa và nhỏ cũng sẽ bị tác động nhưng nó không thấy ngay trực tiếp. Khi mà có khủng hoảng, DN vừa và nhỏ sẽ bị tổn thương nhiều nhất nhưng cũng dễ chống chọi nhất vì họ rất linh hoạt. Về mặt nhân lực, chắc chắn là cơ hội để tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao mà Việt Nam chưa đào tạo kịp thời. Đây cũng là động lực để cho việc đào tạo nhân lực và nhân lực ở Việt Nam phải phấn đấu, vươn lên đổi mới mình... Lo lắng nhất của DN Việt là phải cạnh tranh trên mọi mặt, đặc biệt là hàng tiêu dùng, hàng bán lẻ... bởi cảm giác mất thị phần luôn là nỗi lo thường trực, vì từ bây giờ nhiều quốc gia ASEAN đã đổ vào thị trường Việt Nam. Nếu không có cạnh tranh thì DN Việt Nam sẽ không có sự bứt phá để thay đổi và quan trọng là chúng ta định vị được chúng ta ở đâu trong thị trường kinh tế quốc tế...

Bà có kiến nghị gì để các DN phát triển trong quá trình hội nhập?

- Hiện có rất nhiều chính sách của TP hỗ trợ cho cộng đồng DN xuất khẩu thương mại, mang sản phẩm đến thị trường nước ngoài khi chi phí eo hẹp. Tuy nhiên, bà Hương kiến nghị, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn về cải cách hành chính hay cải thiện về luật, các thông tư, các nghị định, văn bản dưới luật kịp thời là rất quan trọng, làm sao nhanh chóng đi vào hiện thực hóa, đi vào cuộc sống hơn..., nhất là, rất mong TP có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhất là ngành CNTT. Điều đó sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong quá trình hội nhập sâu rộng.

Xin cảm ơn bà! 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần