Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp “đầu tàu” chung tay chống dịch Covid-19

Khắc Kiên - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ ngày 24/7, các tập đoàn, DN trên địa bàn TP đã gấp rút thực hiện giãn cách xã hội, vừa nỗ lực sản xuất kinh doanh, vừa tự thân chống dịch, chung tay cùng TP Hà Nội và Chính phủ vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Cán bộ công nhân viên Cơ quan Petrovietnam tiêm vaccine mũi 2 để thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hoàng Anh
Đề cao công tác phòng, chống dịch
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng khẳng định: Kể cả khi chưa có Chỉ thị 17, Cơ quan Tập đoàn và các đơn vị đóng trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện công tác phòng, chống dịch luôn cao hơn một mức.
Trong đó, có các thông tin về đảm bảo an toàn cho người lao động, thực hiện "3 tại chỗ", áp dụng đi làm luân phiên (1/3 đi làm, còn lại làm việc online), hạn chế tối đa người đến trụ sở mà vẫn đảm bảo công việc... nhằm chung tay cùng Chính phủ và Nhân dân cả nước nhanh chóng đẩy lùi đại dịch, vì mục tiêu cao nhất là giữ môi trường an toàn, duy trì sản xuất, góp phần đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với quyết tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối, không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, bám sát sự chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ, TP Hà Nội và các cơ quan chức năng, Petrovietnam đã kịp thời ban hành hàng loạt các giải pháp cụ thể, chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch.
Qua đó, kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì ổn định, an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh. Petrovietnam và các đơn vị thành viên cũng đang chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ sở y tế, triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn.
Người lao động PV Power Hà Tĩnh, đơn vị thành viên Petrovienam hăng say làm việc thực hiện ''mục tiêu kép'' vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hoàng Anh
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, “2 điểm đến, 1 cung đường” đối với người lao động trực tiếp tại các nhà máy, dự án, công trình dầu khí... chủ động xây dựng các kịch bản xuất hiện F0 tại khu vực sản xuất cũng như đưa ra phương án ứng phó phù hợp.
Đối với những đơn vị có mật độ cán bộ công nhân viên và người lao động cao, Petrovietnam đã lên phương án cung cấp trang thiết bị y tế (máy trợ thở, các thiết bị khác…) nhằm kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp, đảm bảo duy trì tính liên tục trong hoạt động sản xuất, trên hết là đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Petrovietnam cũng đặc biệt chú trọng đến việc xem xét các cơ chế hỗ trợ cán bộ công nhân viên và người lao động khi thực hiện các giải pháp “3 tại chỗ” cũng như kéo dài thời gian đổi ca... nhằm chia sẻ, động viên tinh thần người lao động.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn cho biết, tuyên truyền, chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch tại DN được đặt lên hàng đầu. Cùng với việc hỗ trợ vật dụng phòng, chống Covid-19 cho các đơn vị, nhiều giải pháp đồng bộ được Sơn Hà triển khai trên toàn hệ thống để chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch.
Sơn Hà luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng đối với tất cả các đơn vị, nhà máy trong hệ thống. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nội bộ để nhân viên và cộng đồng hiểu đúng về dịch bệnh, không quá hoang mang lo lắng, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ bản thân, an tâm làm việc.
Tại bộ phận lễ tân các tập đoàn, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện biện pháp phòng chống dịch khi đến làm việc, giao dịch tại trụ sở. Ảnh: Hoàng Anh
Linh hoạt các phương án ứng phó
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hà, riêng với các nhà máy, đơn vị thành viên nằm trong tâm dịch, Sơn Hà chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh và không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn yêu cầu toàn bộ các nhà máy kích hoạt phương án cho công nhân ăn ở tập trung ngay tại nhà máy và hỗ trợ chi phí để động viên các cán bộ công nhân viên sinh hoạt tại chỗ trong giai đoạn buộc phải giãn cách xã hội... Thực hiện 5K, ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc tổ chức các sự kiện, hoạt động tại DN. 
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng & Giao thông (Intracom Group) Phạm Thị Hồng Thúy chia sẻ, từ cuối tháng 4/2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Hà Nội, Intracom đã siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch, phun khử khuẩn toàn công ty theo định kỳ, yêu cầu người lao động đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách khi làm việc. Intracom cũng yêu cầu nhân viên, người lao động không được ra khỏi Hà Nội. Trường hợp buộc phải ra khỏi TP, khi về lại Hà Nội sẽ làm việc online tại nhà 15 ngày.
Intracom Group yêu cầu các cán bộ, nhân viên buộc phải đến nơi làm việc nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh
Đặc biệt, từ ngày 24/7, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19, Intracom Group đã lên phương án làm việc phù hợp với tình hình mới. Theo đó, hầu hết các cán bộ, nhân viên khối văn phòng chuyển sang hình thức làm việc online. Chỉ các cán bộ, nhân viên do đặc thù công việc như bộ phận tài chính kế toán đi làm việc với ngân hàng, văn thư trực đóng dấu thì đến công ty làm nhiệm vụ 3 ngày/tuần.
Đồng thời yêu cầu các cán bộ, nhân viên đến làm việc nghiêm túc thực hiện 5K, cấp giấy giới thiệu, lập nhật kí di chuyển để theo dõi lịch trình, đảm bảo việc phòng dịch. Trước khi đến văn phòng làm việc, lực lượng bảo vệ của Công ty đều kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế đối với từng nhân viên. 
Đối với những công trình, Intracom đã tạm dừng thi công theo đúng chỉ thị của TP. “Không chỉ bây giờ, mà ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Intracom đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra” - vị này nói.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn văn phòng làm việc của Công ty Gamuda Land Việt Nam. Ảnh: Doãn Thành

Ghi nhận tại Công ty Gamuda Land Việt Nam, DN này đã tạm thời ngừng làm việc tại văn phòng. Tất cả nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 24/7 - 7/8/2021. Đại diện Công ty Gamuda Land Việt Nam cho biết, tất cả nhân viên được yêu cầu luôn sẵn sàng trong trạng thái làm việc khi ở tại nhà, không được đến văn phòng nếu không có lệnh từ Tổng Giám đốc, trưởng bộ phận và phải thông báo cho nhóm phòng, chống Covid-19 của công ty qua email. Tất cả trưởng bộ phận được yêu cầu gửi cho nhân sự danh sách trực (nếu có) trong thời gian giãn cách xã hội tiện theo dõi. 
Nhân viên làm việc tại nhà được yêu cầu tuân thủ các quy tắc: Phải ở nhà không được ở một địa điểm khác, bị phát hiện sẽ phải chịu hình thức kỷ luật; Nhân viên phải giữ một kênh liên lạc thông suốt qua email, Skype, WhatsApp, Zalo... để đảm bảo quy trình làm việc hàng ngày diễn ra suôn sẻ; Thông báo cho nhân sự và trưởng bộ phận trong trường hợp có bất kỳ thay đổi nào đối với sức khỏe của nhân viên và gia đình, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ khai báo tình trạng sức khỏe hàng ngày. Trong trường hợp cấp thiết phải xử lý công việc trong thời gian giãn cách, nhân viên phải lấy giấy xác nhận phương tiện đi lại.