Monday, 08:26 02/12/2013
Doanh nghiệp đẩy cái khó cho người tiêu dùng
Kinhtedothi - Từ hôm qua, 1/12, giá gas trên thị trường đã tăng gần 80.000 đồng/bình 12 kg. Với mức tăng này, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng từ 485.000 - 491.000 đồng/bình 12kg.
Giá tăng kỷ lục
Khảo sát tại thị trường gas cho thấy, giá bán của Công ty TNHH Gas Petrolimex Sài Gòn tăng thêm 79.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 493.000 đồng/bình 12 kg. Tương tự, Công ty Gas Pacific Petro tăng 78.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ là 489.000 đồng/bình 12 kg, Saigon Petro cũng tăng 78.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ 486.000 đồng/ bình 12 kg.
![]() Giá gas Saigon Petro đã tăng thêm 78.000 đồng/ bình 12kg từ 1/12. Ảnh: Hoài Nam
|
Ông Cao Tuấn Anh - Trưởng phòng Kinh doanh PV Gas Hà Nội cho biết: Giá gas thế giới tăng mạnh khiến nhiều DN kinh doanh mặt hàng này bất ngờ bởi giá dầu thế giới đang ổn định, thậm chí giảm nhẹ nên không có lý do gì cho việc tăng giá gas. Việc tăng giá đột biến này giống giai đoạn tháng 3/2012 với các dấu hiệu đầu cơ trên thị trường gas thế giới.
Giá gas tăng liên tục khiến đời sống người tiêu dùng đã khó càng thêm khó. Chị Chu Thị Bích Hằng - công nhân KCN Sài Đồng than phiền: Giá gas và nhiều mặt hàng khác tăng liên tục, trong khi tiền lương không tăng làm đời sống công nhân ngày càng khó khăn. Để tiết kiệm chi tiêu chắc chúng tôi phải quay lại dùng bếp than như trước. Với mức tăng gần 80.000 đồng/bình 12kg, mức điều chỉnh cao nhất trong vòng 20 năm qua cũng khiến các DN bán lẻ lo lắng sức tiêu thụ giảm mạnh.
DN chưa sòng phẳng
Mỗi khi tăng giá gas các DN kinh doanh mặt hàng này đều nêu lý do giá bán lẻ gas trong nước phụ thuộc vào thị trường thế giới, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, lượng gas bán ra từ ngày 1/12 chưa phải là gas được nhập về Việt Nam theo giá thế giới mà là gas được nhập trong tháng 11 với giá bình quân 895 USD/tấn. Như vậy, việc các DN kinh doanh gas "viện cớ" giá gas thế giới tăng để nâng giá bán ngay đầu tháng 12 là không sòng phẳng với người tiêu dùng.
Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong tháng 10/2013, các DN đã nhập khẩu 76.000 tấn gas và tháng 11 là 80.000 tấn. Trong khi lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 52.160 tấn gas nhập khẩu. Với mức tiêu thụ này, trong tháng 10, lượng gas tồn kho là 23.840 tấn và tháng 11/2013 ước khoảng 27.840 tấn.
Nhằm quản lý giá bán, Chính phủ đã có Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định các DN đầu mối kinh doanh, nhập khẩu gas được tự chủ trong việc quyết định giá và có sự kiểm soát của Hiệp hội và các cơ quan quản lý. Nghị định là vậy nhưng trên thực tế mặt hàng này không bị quản lý chặt như mặt hàng xăng dầu nên việc tăng, giảm giá bán hoàn toàn do DN quyết định. Chính điều này là một "khe hở" mà các DN kinh doanh gas “lách luật”. Trên thực tế, việc giá gas tăng không chỉ do giá thế giới tăng mà còn bởi DN kinh doanh mặt hàng này luôn giữ lợi nhuận cố định ở mức khá cao 25 - 30%. Nhưng khi giá gas thế giới tăng các DN lại không hề giảm định mức lợi nhuận này mà đẩy "khó" cho người tiêu dùng.
Điều đó cho thấy, để quản lý được giá bán mặt hàng này, liên Bộ Tài chính - Công Thương cần quản lý chặt lượng gas tồn kho, yêu cầu DN phải bán hết số lượng gas đã nhập khẩu mới được tăng, giảm giá bán. Biện pháp này vừa hạn chế việc tăng giá bất hợp lý vừa giúp DN không bị thua lỗ khi giá gas thế giới giảm. Ngoài ra, chính bản thân các DN nên giảm bớt lợi nhuận cố định, tăng cường tiết kiệm chi phí quản lý qua đó giảm giá bán chứ không phải xin giảm thuế nhập khẩu mỗi lần giá thế giới tăng như hiện nay.