Tăng trưởng âm kéo dài
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), bước sang tháng 4/2023, ngành dệt may tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,06 tỷ USD, giảm 20,6% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 11,7 tỷ USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước, tương đương gần 3 tỷ USD. Kể từ quý IV/2022 đến nay, xuất khẩu dệt may liên tiếp tăng trưởng âm.
Thống kê của Vinatex cũng cho thấy, cả 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều giảm so cùng kỳ năm trước. Đó là: Thị trường Mỹ tiếp tục giảm mạnh tới 30%, đạt 1,15 tỷ USD; thị trường EU giảm 9,7% so cùng kỳ, đạt 349 triệu USD; thị trường Hàn Quốc giảm 21%, đạt 237 triệu USD và thị trường Nhật Bản giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 4 tháng năm 2023, những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm trên 30%, thị trường EU giảm 12%, duy nhất thị trường Nhật Bản tăng 6,6%.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu nhận định: Trong quý II/2023, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu, giá lương thực lên cao, khiến lạm phát tại Mỹ, EU dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới DN trong nước bị cắt giảm đơn hàng.
Linh hoạt sản xuất, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ
Tổng Giám đốc Công ty CP May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 đang gặp phải những khó khăn nhất định như thiếu hụt đơn hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả giữa các DN trong nước và ngoài nước. Vì vậy, May 10 chỉ duy trì sản xuất ở mức nhỏ lẻ.
“Năm 2023, được dự báo là một trong những năm kinh tế khó khăn do sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu và May 10 cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự suy thoái. Những năm trước đây, May 10 có đơn hàng trước 9 tháng thậm chí là cả năm nhưng bây giờ DN cũng phải “ăn đong”, làm những đơn hàng dễ, giá thấp để duy trì hoạt động sản xuất của DN” – ông Thân Đức Việt cho hay.
Hai năm chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng, nhưng ngành dệt may đã tổ chức sản xuất linh hoạt các sản phẩm mới chưa có trong tiền lệ và đã thành công, trở thành bài học kinh nghiệm cho các DN. Với những định hướng đúng đắn của Vinatex trong xúc tiến thị trường và áp dụng linh hoạt các giải pháp căn cơ, hy vọng ngành dệt may sẽ sớm khởi sắc trở lại, tiếp tục trụ vững và phát triển.
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu
Trước tình hình khó khăn như hiện nay, Vinatex cũng đề ra một số giải pháp đồng bộ giúp các DN duy trì ổn định sản xuất và thu nhập cho người lao động. Trước hết, các DN cần duy trì, củng cố vị trí trong chuỗi cung ứng hiện có và tìm kiếm gia nhập các chuỗi cung ứng mới.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đầy đủ, không trì hoãn các cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường, thực hiện chuẩn mực quản lý theo hướng kinh tế tuần hoàn mà các tổ chức, các thương hiệu lớn đã đặt ra cho toàn bộ thành viên trong chuỗi cung ứng.
Liên tục dự báo kết hợp với phân tích, cập nhật thị trường và đối thủ là điều cần thiết để có giải pháp sản xuất, kinh doanh linh hoạt nhất. Quan trọng là các DN cần tiếp tục đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho tương lai cần đổi mới, chuyển đổi của các đơn vị.
Nhấn mạnh về giải pháp ứng phó, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, để có thể giải quyết tình hình sản xuất khó khăn kéo dài như hiện nay, các DN cần thông tin kịp thời đến người lao động và tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt để đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, các DN đẩy mạnh nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, tối thiểu hóa vốn lưu động, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu nhưng vẫn giữ được sức mạnh cốt lõi để đáp ứng được xuất khẩu trong tình hình mới.