Doanh nghiệp dệt may xoay xở tìm nguyên phụ liệu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều tín hiệu tích cực khi có các đơn hàng dồi dào đến hết quý III/2022, thậm chí hết năm, song các DN dệt may lại đang thực sự lo lắng trước thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu.

Đây là khó khăn ngay trong ngắn hạn buộc các DN phải tính toán, nỗ lực vượt qua, cũng như có chính sách phát triển đầu vào hợp lý để đạt mục tiêu đề ra.

Dây chuyền sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải  
Dây chuyền sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải  

Khó ngay trong ngắn hạn

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm, năm 2022 dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các DN dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Là một trong những DN đầu ngành, Tổng Công ty May 10 hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 8/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm. Song nỗi lo lớn nhất của May 10 là việc Trung Quốc thực hiện Zero Covid sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng. Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, hiện DN đang điều chỉnh lại nhận định về thị trường trước nhiều biến động. Đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu, khí đốt leo thang, kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chiến lược Zero Covid, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao hiện hữu.

Tuy vậy, ông Thân Đức Việt cho rằng, dù chi phí tăng cao, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Trong khi sản xuất của DN vẫn phải duy trì, nhưng nếu giá đầu vào tăng quá cao thì DN càng làm càng lỗ. Thực tế cho thấy, chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Bất lợi về tỷ giá khiến DN dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ.

Hiện nay các DN buộc phải tái tổ chức lại dây chuyền sản xuất do thiếu hụt lao động. Tùy từng địa phương, tỷ lệ lao động thiếu hụt khoảng 5 - 7% ở phía Nam (chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) và 8 - 10% ở phía Bắc. Đặc biệt, việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các DN khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Linh hoạt khắc phục

Đối diện với nhiều thách thức, ông Thân Đức Việt chia sẻ, từ nhiều năm nay, đơn vị đã có chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu xây dựng khoảng 600 nhà cung cấp nguyên vật liệu trên toàn thế giới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nhà cùng các nhà cung cấp trong nước, May 10 hướng đến các đối tác từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Tỷ trọng này sẽ tăng lên và có thể chủ động được trong 5 - 10 năm tới. Nhưng trong ngắn hạn, không còn cách nào khác là chấp nhận phương thức vận chuyển khác hơn, tìm kiếm sự chia sẻ từ khách hàng lâu năm để hạn chế những tác động từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc.

“May 10 liên tục bám sát từng mã hàng, đơn hàng, tại từng xí nghiệp sản xuất để điểu chỉnh sao cho hiệu quả nhất trước nguy cơ thiếu hụt nguyên phụ liệu hiện tại" - ông Thân Đức Việt nói. Đồng thời cũng kỳ vọng, ở thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu… sau Covid-19 nhu cầu tiêu dùng sẽ khôi phục. Ngoài ra, khi Trung Quốc - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới áp dụng Zero Covid, lúc đó sẽ là cơ hội với sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, điểm sống còn với DN dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch Covid-19. Hiện tại, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm.

“Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này. Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành” – vị này nói.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, ngay trong những tháng đầu năm có rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ giá dầu tăng, khủng hoảng chính trị Nga-Ukraine, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất… Những sức ép này khiến DN gặp khó khăn hơn, thay đổi nhu cầu thế giới.

Tuy nhiên, ông khá lạc quan, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng. Dự báo ngành dệt may Việt Nam nói chung có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022 là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%.

 

Một tổ chức quốc tế đánh giá 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022 trong tháng 1, Việt Nam đứng đầu, đạt 59/75 điểm, quốc gia thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ đạt 54 điểm, Trung Quốc cũng đạt 54 điểm. Đây là tiền đề khách quan do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cải thiện thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần