Gần 5.800 lao động ngành dệt may Hà Nội bị F0
“Các DN sản xuất đang kêu trời đất vì thiếu người làm. Sáng nay tôi vừa làm việc với một công ty có 1.200 công nhân thì khoảng 400 người F0. Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0. Đã có 36 DN có người mắc Covid-19. Tình hình khó khăn quá vì thiếu người làm...” - Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn nói. Ông Thanh Sơn cũng cập nhật đến trưa ngày 3/3, ngành Dệt – May Hà Nội có 5.748 ca F0, 700 F1 trên tổng số 18.000 công nhân.
Chia sẻ thông tin về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất của đơn vị, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp May Minh Hà Mai Xuân An cho hay: Chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn vì Covid-19. Hiện giờ toàn bộ hệ thống quản lý của đơn vị bị dính F0; công nhân cũng mắc Covid, đến nay tổng số hơn 100 người bị F0.
Công ty May mặc Việt Pacific cũng vừa trải qua đợt cao điểm dịch Covid-19 với hơn 400 F0 trên tổng số 1.200 người (chiếm hơn 33%). Biết rằng khi nhiều công nhân F0 nghỉ ở nhà điều trị Covid-19 ảnh hưởng tới đơn hàng; nhưng công ty vẫn tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, hỗ trợ về vật chất và giải quyết chế độ nghỉ ốm đau theo quy định. Mặt khác, công ty bố trí NLĐ ở tổ này hỗ trợ tổ khác có nhiều người F0 nghỉ cách ly điều trị. “Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, chúng tôi vẫn hỗ trợ tiền lương tối thiểu cho công nhân bị F0 là 170.000 đồng/ngày. Công nhân bị Covid-19 sẽ được thanh toán hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội và được công đoàn thăm hỏi, giúp đỡ” – Chủ tịch Công đoàn Công ty May mặc Việt Pacific Nguyễn Tràng Huy cho hay.
Số ca F0 tăng cũng khiến cho hoạt động của Công ty TNHH May Phù Đổng bị ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo dây chuyền và thời gian giao hàng. Bởi có lúc cao điểm, số ca F0 lên đến hơn 50% (tính từ ngày 17/2) trên tổng số NLĐ. Trước tình hình số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng, công ty đã làm việc ngay với khách hàng để đề nghị điều chỉnh lại thời gian giao hàng. Và, đến hôm nay tình hình sản xuất của Công ty TNHH May Phù Đổng dần ổn định do công nhân đã trở lại làm việc bình thường.
Người lao động tăng ca, thực hiện “3 tại chỗ”
Không chỉ các công ty dệt may mà các DN ngành khác cũng có nhiều NLĐ bị F0, ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của đơn vị. Đến hết tuần vừa rồi, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội có 870 người bị F0 trên tổng số 16.232 công nhân, viên chức, NLĐ. Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh cho biết, mọi người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ nên ở nhà làm việc online, cơ bản công việc vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, những công nhân công ty môi trường đô thị làm việc trực tiếp ngoài hiện trường bị F0 thì nghỉ ở nhà cách ly, điều trị thì những người còn lại tăng ca để đảm bảo chất lượng công việc.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Hoàng Thị Bích Hạnh thông tin: Tính từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội có 864 F0 trên tổng số 4.685 người. Đến nay Công ty đã có 4.613/4.685 (99,4%) người tiêm vaccine mũi 2 và 3.846/4.685 (82,1%) người tiêm vaccine mũi 3. Do có số người bị F0 tăng cao nên các đơn vị đã tổ chức sản xuất, bố trí lại lao động cho phù hợp với điều kiện thực tế như: Vay tua, vay phép, tăng ca, tăng giờ làm đảm bảo đường phố luôn sạch đẹp. “NLĐ F0 cách ly điều trị và nghỉ theo chế độ ốm đau, hưởng bảo hiểm xã hội. Công ty hỗ trợ công nhân khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn; đối với những công nhân đi thu gom rác ở khu vực cách ly (có F0) được phát thêm bộ đồ bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19” – chị Hoàng Thị Bích Hạnh cho hay.
Nhiều công ty sản xuất khác cũng chọn giải pháp vận động NLĐ tăng ca, làm thêm giờ. Bên cạnh đó là tuyên truyền NLĐ thực hiện 5K, hạn chế tiếp xúc, giao lưu trong quá trình làm việc. Do số công nhân bị nhiễm Covid-19 tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, buộc các DN đã thay đổi phương án sản xuất để đảm bảo đơn hàng của khách.
Để khắc phục thiếu hụt lao động, các DN đã điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau; bố trí cho công nhân làm thêm giờ hưởng mức lương 150% – 200%. Đối với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đến nay có 370 người F0, 311 người F1, chiếm 29% tổng nhân sự của đơn vị, đã thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để tránh cho công nhân bị lây nhiễm từ trong gia đình. Xí nghiệp May Minh Hà thực hiện giải pháp ghép các phòng lại với nhau để duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời đàm phán với khách hàng giãn ngày giao hàng bởi đây là tình trạng bất khả kháng cũng như để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Trước việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có thông báo kể từ ngày 1/3/2022 dừng hỗ trợ đoàn viên lao động ảnh hưởng vì Covid-19 khiến nhiều người lao động hết sức băn khoăn. Trao đổi về việc này, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho biết, hiện nay chúng tôi khó khăn về nguồn tiền và không có chủ trương; nếu có hỗ trợ thì chỉ những trường hợp khó khăn đột xuất, có hoàn cảnh đặc biệt. Chúng tôi khuyến các các đơn vị và NLĐ tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K để phòng chống dịch đảm bảo an toàn.