Khó khăn bủa vây DN
Ông Lê Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (gọi tắt là Minh Phú Hậu Giang) cho biết, trong những tháng dịch bệnh vừa qua, công ty hoạt động cầm chừng với phương án "3 tại chỗ". Công nhân của công ty không chỉ ở Hậu Giang mà hơn 60% là ở các địa phương lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
“Cán bộ của công ty ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, tức là giáp ranh với huyện Châu Thành của tỉnh Hậu Giang là nơi công ty đóng nhưng vẫn không thể đi làm được. Nếu muốn đến công ty, phải cách ly 14 ngày trước” - ông Điệp nói và cho biết, hàng ngàn công nhân của công ty đang ở các tỉnh khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, muốn đến làm việc phải cách ly trước. Việc cách ly, xét nghiệm nhanh, PCR cho gần 6.000 công nhân, lao động sẽ gây khó khăn không ít cho công ty.
Để giải quyết vấn đề trên, Công ty Minh Phú Hậu Giang đã có phương án, đề xuất với UBND tỉnh Hậu Giang để được hỗ trợ hoạt động trở lại được thuận lợi nhất. UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã chấp thuận cho công ty này tiếp nhận thêm lao động vào làm việc theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu công ty tổ chức đón công nhân từ nơi lưu trú đến nhà máy, sử dụng phương tiện đưa đón dưới 50% công suất để đảm bảo giãn cách. Những công nhân ở vùng xanh trong huyện Châu Thành được di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Đối với công nhân ngoại tỉnh, trước khi vào địa bàn Hậu Giang phải được xét nghiệm nhanh hoặc PCR, và cách ly tại khu tập thể của công ty 14 ngày và trải qua thêm 2 lần xét nghiệm PCR. Khi có kết quả âm tính mới được vào làm việc. Trong quá trình làm việc, công nhân còn phải xét nghiệm định kỳ 2 lần/tuần. “Như thế rất khó cho công ty chúng tôi”, ông Điệp nói và cho biết đã có điều chỉnh, bổ sung phương án xin được cách ly tập trung cho công nhân trong 3 ngày thay vì 14 ngày, và đang chờ UBND tỉnh Hậu Giang phản hồi.
Vấn đề của Công ty Minh Phú Hậu Giang cũng là vấn đề chung của nhiều DN ở ĐBSCL, đối với những DN quy mô hàng chục ngàn công nhân thì chi phí để tổ chức cách ly, xét nghiệm cho công nhân là không hề nhỏ.
Trong khi đó, chủ các DN nhỏ và vừa vẫn chưa mặn mà với việc hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Văn Lành, chủ 2 khách sạn lớn ở Cần Thơ cho biết: “Với tình hình hiện tại, nếu khách sạn được mở cửa trở lại tôi cũng không vội. Vì khách liên tỉnh chưa có do người dân chưa thể đi lại dễ dàng ở các tỉnh với nhau. Còn khách sạn tại Cần Thơ thưa thớt, hơn nữa để đón khách phải xét nghiệm, khai báo y tế rất phiền nên tôi quyết định đóng cửa tiếp”.
Tương tự, chủ một DN taxi tại Cần Thơ cho biết, ông sẽ chờ các hoạt động, dịch vụ khác hoạt động trở lại rầm rộ hơn rồi mới tính đến chuyện khởi động trở lại DN của mình.
Tiếp sức cho DN
Để hỗ trợ cho DN sau “kỳ nghỉ đông”, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đã có nhiều chính sách mới. Ở Vĩnh Long, dịch bệnh đã làm cho khoảng 80% DN phải ngưng hoạt động. Số DN còn lại hoạt động cầm chừng với “3 tại chỗ” nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Để giảm bớt khó khăn cho các DN, Vĩnh Long triển khai nhanh Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ người lao động, giảm, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm tiền điện, tiền nước cho các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, để khôi phục sản xuất, tỉnh cần tập trung vào 3 trụ cột chính: Cần triển khai tốt các chính sách hỗ trợ của trung ương, cũng như các chính sách hỗ trợ của địa phương; xây dựng chính sách điều hành của địa phương phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; chủ động xây dựng các kịch bản để ứng phó với dịch bệnh, kiểm soát được tình hình dịch ở trên địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của DN trong quá trình phục hồi sản xuất.
Còn tại Đồng Tháp, sáng 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có buổi làm việc với các ngân hàng và quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2021. Trong buổi làm việc này, nhiều vấn đề của DN khi hoạt động trở lại cũng được UBND tỉnh quan tâm.
Không để đứt gãy hoạt động sản xuất của DN, hộ kinh doanh do dịch, ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngân hàng, quỹ tín dụng có chiến lược kinh doanh mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của tỉnh đảm bảo hoạt động ngân hàng, hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa phục vụ tốt cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng khẳng định sẽ quan tâm, ưu tiên phân bổ tiêm vaccine cho các ngân hàng, DN. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin để các ngân hàng nắm, tiếp tục đồng hành cùng với DN để thực hiện giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch...