Nhà hàng, siêu thị, ứng dụng gọi xe... bắt đầu giảm thuế
Khảo sát thị trường những ngày đầu năm, các DN, nhà hàng, siêu thị… đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Cùng với đó, các đơn vị này đã đồng loạt áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) mới xuống còn 8% từ đầu tháng 2/2022 và kéo dài đến hết năm 2022 theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15).
Sau hơn 1 tuần triển khai thực hiện, mặc dù còn nhiều loay hoay, vướng mắc, nhưng hầu hết DN, nhà hàng, siêu thị… đã áp dụng mức thuế VAT mới theo Nghị định 15. Các loại hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục được giảm đã thực hiện nghiêm túc.
Chị Nguyễn Quỳnh Dung (Văn Quán, quận Hà Đông) cho hay, gia đình chị mới tới ăn tại một nhà hàng hải sản trên đường Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông). Sau khi ăn xong ra thanh toán tiền, chị khá bất ngờ vì thuế VAT trên hóa đơn đã được giảm 2%. Với tổng số tiền phải thanh toán hơn 2 triệu đồng, gia đình chị được giảm hơn 40.000 đồng theo mức thuế VAT mới. “Dù số tiền được giảm không lớn, nhưng trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy” – chị Dung bày tỏ.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, Công ty CP Tuk tuk Thai Bistro, ngay khi có thông tin về chính sách giảm thuế VAT đã chủ động cài đặt hệ thống máy tính thanh toán theo mức thuế VAT mới.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Công ty CP Tuk tuk Thai Bistro cho biết: “Để chủ động triển khai chính sách sau kỳ nghỉ Tết, ngay từ tối 31/1, nhà hàng đã chỉnh sửa phần mềm cũng như trên menu về việc giảm thuế với khách hàng. Mặc dù không được giảm quá nhiều, nhưng hầu hết khách hàng khi thanh toán đều rất phấn khởi”.
Tuân thủ theo Nghị định 15 về việc giảm thuế VAT, hàng loạt thương hiệu thời trang đã công bố giảm giá sản phẩm/dịch vụ theo quy định. Trong đó, thương hiệu thời trang Uniqlo và Muji vừa công bố giảm 2% thuế VAT trên mỗi sản phẩm, áp dụng cả mua hàng online lẫn mua hàng trực tiếp. Khi mua sắm tại tất cả các cửa hàng của Uniqlo Việt Nam từ ngày 1/2, bao gồm cửa hàng Uniqlo online, các khách hàng sẽ nhận được khoản giảm giá tương đương 2%. Khách hàng sẽ được giảm trực tiếp tại quầy thu ngân khi thực hiện thanh toán trong trường hợp mua trực tiếp, còn với khách hàng mua sắm online sẽ được giảm trực tiếp trên hóa đơn chuyển khoản.
Một số ứng dụng như Grab, Beamin đã thông báo áp dụng mức thuế VAT mới cho các dịch vụ sau khi chính sách giảm thuế có hiệu lực. Theo đó, Grab thông báo, do thời gian áp dụng diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nên trên trang chủ ứng dụng này sẽ bắt đầu cập nhật thay đổi mức thuế suất VAT mới từ ngày 15/2. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 14/2, Grab vẫn tạm thu thuế VAT theo mức thuế suất 10% và sẽ tính toán lại mức thuế VAT chênh lệch để hoàn trả cho đối tác thông qua ví tài xế, thời gian dự kiến hoàn trả trước ngày 26/2.
Tiết kiệm cho người tiêu dùng, tăng tái đầu tư sản xuất, kinh doanh
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, có hiệu lực từ 1/2/2022 được các chuyên gia đánh giá là “một mũi tên trúng nhiều đích”. Đây là một trong những chính sách giảm thuế có tác động rộng rãi và rõ ràng nhất đến thị trường trong năm 2022. Với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao.
Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc đưa ra phân tích, việc giảm thuế VAT sẽ giúp Chính phủ hoàn thành 2 mục tiêu: Thứ nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ 2 phía là sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; Thứ 2 là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thuế VAT hiện nay là sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc giảm thuế 10% xuống 8% sẽ tiết kiệm được cho người tiêu dùng. Tiết kiệm được 50.000 tỷ đồng nhưng không phải để đấy mà sẽ tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, trước đây cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu, như thuế thu nhập DN đối với các DN khó khăn, khủng hoảng, còn lần này giảm thẳng vào thuế gián thu mà ở đây là thuế VAT.
Điều này đã nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa. Bởi nếu trước đây, các gói hỗ trợ lấy trụ cột là giãn, hoãn thì nay Nhà nước đã quyết tâm giảm các khoản thu vào ngân sách Nhà nước. Thuế VAT phổ thông hiện nay là 10% nên khi giảm 2% sẽ có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng được hỗ trợ mạnh mẽ. Với người tiêu dùng trước sức ép về thu nhập, nếu được giảm 2% thuế VAT, đồng nghĩa họ sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu.
Do chính sách không áp dụng giảm thuế cho tất cả mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%, nên trong thời gian đầu triển khai nhiều DN đang gặp nhiều lúng túng. Trên thực tế, việc bóc tách trong cùng một ngành nghề kinh doanh các mặt hàng chịu thuế 10% và 8% không hề đơn giản ngay cả với các kế toán đã có kinh nghiệm. Do đó, cơ quan thuế cần có hướng dẫn chi tiết hơn trong từng trường hợp cụ thể.