Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kiên Giang:

Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Doanh nghiệp được xem là động lực phát triển, chủ thể có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Kiên Giang. Vai trò, tầm quan trọng trong việc dẫn dắt sản xuất kinh doanh theo thị trường, đóng góp vào thành công của địa phương.

Thu hút 749 dự án đầu tư

Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang giang đang từng bước phục hồi tích cực.

Kiên Giang thu hút được 749 dự án với tổng số vốn đầu tư 602.104,35 tỷ đồng. (Ảnh Hữu Tuấn)
Kiên Giang thu hút được 749 dự án với tổng số vốn đầu tư 602.104,35 tỷ đồng. (Ảnh Hữu Tuấn)

Điển hình, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 73.377 tỷ đồng, tăng 6,79%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,74 triệu đồng. Thu ngân sách năm 2023 ước tính trên 15.120 tỷ đồng, Kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, trong năm 2023 có 1.559 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 16.858 tỷ đồng. Địa phương đứng thứ 3 về số lượng doanh nghiệp, đứng thứ 2 về số vốn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khu vực ĐBSCL. Tính đến ngày 15/3/2024 toàn tỉnh có 12.224 doanh nghiệp với tổng vốn là 209.280,9 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 749 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 602.104,35 tỷ đồng. Trong đó, có 371 dự án đã đi vào hoạt động chiếm 49,53%/tổng số dự án, 111.024,537 tỷ đồng.

UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư; tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Doanh nghiệp động lực phát triển

Ông Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Địa phương luôn xem doanh nghiệp là động lực phát triển, chủ thể có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt sản xuất theo thị trường.

Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (đứng giữa) gặp các doanh nghiệp tại Phú Quốc để gỡ khó. (Ảnh Hữu Tuấn)
Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (đứng giữa) gặp các doanh nghiệp tại Phú Quốc để gỡ khó. (Ảnh Hữu Tuấn)

Toàn tỉnh có 11.971 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 207.979,80 tỷ đồng, với số lượng doanh nghiệp quy mô như hiện nay, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế- xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động - đóng góp ngân sách Nhà nước.

 Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - Ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn doanh nghiệp đóng góp vai trò vào phát triển kinh tế xã hội. (Ảnh Hữu Tuấn)

Đồng thời, ông Nhàn mong muốn, doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội cao, hướng đến nền kinh tế xanh.

Thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp. Phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò chủ động, đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 đã đề ra.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Như Phượng – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang  (CIC Group) cho biết: Năm 2024 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp. Tình hình kinh tế thế giới và kinh tế cả nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang sẽ nỗ lực hết sức, góp phần cùng phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và năm 2025 bình quân hàng năm đạt từ 10,24% trở lên để cả giai đoạn 2021-2025 đạt 7,24% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XI.

Bên cạnh đó, bà Phượng cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm triển khai và hướng dẫn cho doanh nghiệp các quy định mới ban hành có liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, xây dựng, xuất nhập khẩu, thuế, tiền lương và lao động… Đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế hạ tầng, giao thông kết nối, nâng cấp mở rộng sân bay, cảng biển… để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp FDI, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế của tỉnh. Đề ra các chiến lược phát triển trong giai đoạn mới gắn với chuyển đổi số, tài chính xanh, tăng trưởng xanh… hướng đến phát triển bền vững.