Tàu biển bất ngờ hủy chuyến đến Nha Trang
Du lịch tàu biển là một loại hình du lịch cao cấp và khá phổ biến trên toàn thế giới. Thời gian trước dịch Covid 19, TP Nha Trang là một điểm đến yêu thích đối với các hãng tàu du lịch nổi tiếng trên thế giới trong hải trình đến Việt Nam.
Nha Trang đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách bởi phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, con người hiền hòa cùng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử... hấp dẫn.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp du lịch đã phối hợp cùng đối tác nước ngoài và các hãng tàu, bước đầu đã khai thông và phục hồi lại loại hình du lịch tàu biển.
Theo kế hoạch, năm 2023 Nha Trang – Khánh Hòa sẽ đón khoảng hơn 30 chuyến tàu biển với hàng chục nghìn lượt du khách, đa số đến từ thị trường châu Âu – Mỹ. Trong đó, có các hãng tàu lớn và nổi tiếng thế giới như Spectrum of the Sea (4.000 khách), MSC Poesia (2.800 khách), Queen Elizabeth (2.000 khách), Mein Schiff 5 (2.500 khách)…
Tuy nhiên từ ngày 18 - 24/2, đã có 3 chuyến tàu biển hủy chuyến đến Nha Trang, gồm: Queen Mary 2 (2.000 khách Tây Âu) Seven Seas Explorer (700 khách Mỹ), Nautica (500 khách).
Việc hủy hải trình đến Nha Trang, ngoài các yếu tố khách quan về thời tiết, còn phải kể đến việc các đơn vị tổ chức tour khó thực hiện, triển khai các chương trình du lịch đưa khách đi tham quan Nha Trang và vùng phụ cận do các tuyến đường chính ra vào TP đều bị cấm xe trên 29 chỗ ngồi vào giờ cao điểm (loại xe chuyên phục vụ các đoàn khách du lịch với số lượng lớn).
Cùng với đó, một số tuyến đường thuộc khu vực ngoại thành Nha Trang như khu vực xã Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Thạnh (khu vực đồng quê với sản phẩm chủ lực mà khách du lịch tàu biển rất ưa thích như tham quan nhà cổ, đình làng, chợ quê, làng nghể, cánh đồng lúa…) cũng đã cấm các xe trên 16 chỗ.
Từ việc một số tuyến đường bị cấm xe trên 16 chỗ và trên 29 chỗ đã khiến doanh nghiệp không thể đón khách từ Cảng Nha Trang để đi đến các điểm tham quan nói trên.
Theo ông Nguyễn Quang Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Tictours, việc nhiều tàu du lịch hủy hải trình đến Nha Trang đã gây tổn thất cho các doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch Khánh Hòa nói chung.
"Quan trọng là điểm đến TP du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang "mất điểm" dần trong mắt du khách, đặc biệt là khách Âu – Mỹ, vốn là một thị trường mà rất nhiều khách du lịch luôn mơ ước và ngày đêm mong chờ sau đại dịch được đặt chân đến nơi đây. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc các hãng tàu phải xem xét lại kế hoạch có nên đưa Nha Trang vào danh sách những điểm đến trong thời gian sắp tới hay không?" - ông Nguyễn Quang Thắng cho biết.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Liên quan đến việc cấm xe trên 29 vào trung tâm TP Nha Trang vào các khung giờ cao điểm, tại buổi đối thoại với doanh nghiệp vào cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã chỉ đạo các sở, ngành sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngày 11/01/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản cho phép ô tô trên 29 chỗ ngồi được cấp phù hiệu "xe du lịch" theo đúng quy định vào trung tâm TP Nha Trang trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, từ ngày ban hành quyết định đến nay đã hơn 1 tháng nhưng rất hiếm xe ô tô nào được cấp biển hiệu “xe du lịch” theo quy định vì các tài xế còn thiếu chứng chỉ đào tạo phục vụ khách du lịch.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là áp dụng cho việc đón khách từ các chuyến tàu biển vào Nha Trang trong tháng 2 - 4/2023 (khoảng 12 chuyến), ông Nguyễn Quang Thắng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tạm thời cho phép các xe ô tô du lịch trên 29 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch tàu biển được phép lưu thông trên các tuyến đường trung tâm TP Nha Trang vào giờ cao điểm đối với các ngày có lịch tàu biển vào Nha Trang.
Đồng thời, tạm thời cho phép các xe ô tô du lịch trên 29 chỗ ngồi phục vụ khách du lịch tàu biển được phép lưu thông trên các tuyến đường khu vực xã Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Thạnh và một số đường cắt ngang từ đường 23/10 vào đường Lương Định Của để phục vụ khách tham quan tour Đồng quê (số lượng hạn chế khoảng 10 xe/chuyến tàu ).
Theo ông Thắng, thủ tục đăng ký số lượng xe, biển số xe… công ty sẽ có trách nhiệm thông báo và đăng ký với các cơ quan chức năng trước ít nhất một ngày tàu vào (có thể áp dụng giấy phép của cảng Nha Trang và Biên phòng cấp cho xe như là một loại giấy tờ nhận biết).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký công văn chỉ đạo kiểm tra, tham mưu giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cùng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý kiến nghị của công ty; tham mưu những nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh trước ngày 3/3.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để xe được cấp phù hiệu “xe du lịch” thì lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải trải qua các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, vận tải và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải…
Hàng năm, Sở Du lịch đều có mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch (gần nhất là tháng 9/2022) nhưng rất ít doanh nghiệp cử lái xe, nhân viên đi học.
Chính vì vậy, khi UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn bằng việc cho xe có phù hiệu “xe du lịch” vận chuyển khách vào TP trong giờ cao điểm, các đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch mới nhận thức được quyền lợi của doanh nghiệp và việc đăng ký cấp biển hiệu xe ô tô vận tải khách du lịch.