Doanh nghiệp du lịch khó khăn chồng chất

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tiếp tục đẩy ngành du lịch rơi vào cảnh khó khăn chồng chất, nhiều DN buộc phải tạm dừng hoạt động để chờ cơ hội hồi phục.

Chính phủ đã triển khai gói vay ưu đãi cho các DN du lịch vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, để có thể phục hồi nhanh, bản thân các DN ngành này cũng phải nâng cấp chất lượng sản phẩm...
Doanh nghiệp du lịch thiệt hại nghìn tỷ đồng
Sau 3 tháng “đóng băng” do dịch Covid-19, những ngày đầu tháng 6 ngành du lịch bắt đầu hồi phục. Thế nhưng, đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng tại TP Đà Nẵng đã khiến khách hủy tour gây thiệt hại nặng nề cho ngành này.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du Lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Từ ngày 28/7 - 2/8/2020, DN du lịch Hà Nội đã phải hủy tour nội địa cho gần 30.000 khách. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng; Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại 40 tỷ đồng; Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng...
 Khách du lịch mua tour giảm giá kích cầu du lịch tại Hội chợ kích cầu du lịch 2020. Ảnh: Lê Nam
Thông tin từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho thấy, du lịch TP Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự khi 35.000 lượt khách hủy tour. Trong đó Vietravel đã nhận được yêu cầu hủy của hơn 22.000 lượt khách, thiệt hại ước tính 102 tỷ đồng. Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương thông tin: Tại các điểm du lịch như Đà Lạt, Huế, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang..., số lượng khách hủy tour cũng lên đến 80 - 90%. Dự kiến trong tháng 8/2020, tỷ lệ khách du lịch hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90%, đây là lần thứ hai trong năm 2020, khách hủy, hoãn tour trên quy mô lớn do dịch Covid-19.
Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết: Việc phải hoãn, hủy tour đã gây sức ép nặng nề bởi các hãng hàng không chỉ cho hoãn hủy vé với thời gian 180 ngày, không cho hoàn trả vé, trong khi đó khách du lịch hoãn hủy tour thì đòi hoàn tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được DN lữ hành đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ thông tin: Doanh thu quý II/2020 của Vietravel chỉ đạt 206 tỷ đồng, tương đương 9% doanh thu cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, giảm 283% so với cùng kỳ. “Tính trong nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel đã giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt 996 tỷ đồng, lỗ ròng 80 tỷ đồng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN” - ông Kỳ chia sẻ.
Các DN cung ứng dịch vụ khách sạn, nhà hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sungroup Trần Nguyệt cho hay: Trong 6 tháng qua tổ hợp vui chơi Sunworld đã mất 3 triệu lượt khách, thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, riêng trong 2 tháng 7 và 8 Sunworld cũng mất 1 triệu khách do người dân hủy tour bởi dịch Covid-19.
Số liệu thống kê từ các DN niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX và FiinGroup cho thấy chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của các DN nhóm ngành du lịch và giải trí giảm tới 363% so với cùng kỳ. Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua bán ròng gần 2.400 nghìn cổ phiếu thuộc nhóm ngành này, với tổng giá trị bán ròng 110 tỷ đồng.
Khó tiếp cận ưu đãi
Để hỗ trợ DN lữ hành vượt qua khó khăn trước “cú đấm bồi” của dịch Covid-19, tại Hội nghị trực tuyến bàn về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức các DN có chung ý kiến: Nhà nước cần có những chính sách, hỗ trợ cụ thể như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Thời gian qua, để hỗ trợ DN du lịch vượt khó do dịch Covid-19, Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, bảo hiểm… Tuy nhiên, hiện DN mới chỉ tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm phí, lệ phí với các hồ sơ, thủ tục... còn các chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, bảo hiểm... đều khó tiếp cận.
Phản ánh về khó khăn này, Giám đốc Sun Smile travel Dương Thanh Hằng nêu rõ: Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN du lịch duy trì hoạt động, khôi phục kinh doanh, nhưng việc tiếp cận gói vay không hề dễ dàng bởi ngân hàng xem DN du lịch nằm trong nhóm rủi ro cao nên từ chối cho vay, ngay cả khi DN chấp nhận lãi suất cao.
“Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng giải quyết cho vay ưu đãi tại ngân hàng đang giữ tiền ký quỹ của DN, hoặc đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ của việc rút tiền ký quỹ của DN (100 triệu đồng với DN nội địa, 500 triệu đồng với DN lữ hành quốc tế) để các DN có tiền trả lương cho nhân viên” - bà Hằng kiến nghị.
Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài cũng đề nghị: Từ nay đến cuối năm 2020, Chính phủ nên giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập DN, tiếp tục chính sách giảm chi phí điện, nước; Giảm sâu hơn lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ; điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh việc mong muốn Nhà nước hỗ trợ tiếp cận gói vay, các DN lữ hành cũng đề nghị đối tác hàng không, lưu trú, dịch vụ điểm đến điều chỉnh chính sách để có thể hoàn lại kinh phí (theo tỷ lệ hợp lý) hoặc gia hạn bảo lưu ít nhất một năm đối với các khoản tiền đặt cọc vé máy bay, dịch vụ cho khách hàng.
Chia sẻ việc hỗ trợ DN lữ hành vượt qua khó khăn do Covid-19, đại diện VietnamAirlines, VietjetAir và Bamboo Airlines cho biết, DN đã cho khách bảo lưu vé đến hết tháng 6/2021 hoặc áp dụng chính sách miễn phí đổi chuyến bay, giờ bay của khách có hành trình nội địa khởi hành từ ngày 1/8 trở đi; đồng ý cho khách có hành trình từ ngày 1/8 đến 15/9 được đổi thời gian bay đến ngày 24/12/2020.
Hợp lực để vượt khó
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN lữ hành tạm dừng hoạt động, tuy nhiên, các DN không nên “nằm im, bất động” mà cần tận dụng thời gian này để nâng cấp quy trình phục vụ khách, sản phẩm - dịch vụ, chuẩn bị sẵn sàng hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo Phó Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng: Thực tế, khi triển khai các tour du lịch kích cầu thời gian qua cho thấy, nếu địa phương, đơn vị nào chủ động xây dựng sản phẩm du lịch từ sớm, sẽ đạt được kết quả khả quan khi trở lại hoạt động. “Trong thời gian hoạt động du lịch tạm lắng, các DN lữ hành, khách sạn nên nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của Hà Nội để sẵn sàng kích cầu trở lại khi dịch bệnh được khống chế” - ông Dũng nói.
Cùng chung nhận định, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng: Các DN cần xây dựng những gói sản phẩm đặc thù dành cho các nhóm gia đình, bạn bè, đồng thời xác định những điểm đến chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để định hướng cho du khách... Như vậy, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách, DN vẫn có doanh thu, đủ sức cầm cự trong thời gian dịch bệnh chưa kết thúc.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: Vào thời điểm này, DN lữ hành cũng cần phải chấp nhận “sống chung” với Covid-19 bởi đây là cách tốt nhất để DN vừa duy trì hoạt động có doanh thu, vừa có các biện pháp kiểm soát để bảo đảm an toàn cho khách.
Đứng ở góc độ nhà quản lý Phó Giám đốc phụ trách Sở Du Lịch Trần Trung Hiếu nêu rõ, trong tình hình mới, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để hoạt động du lịch Hà Nội không lâm vào tình trạng “bất động” mà chuyển sang trạng thái sẵn sàng đón đầu cơ hội. “Sở Du Lịch Hà Nội đề nghị các DN lữ hành đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới để đáp ứng thị trường, trong đó phát triển du lịch về đêm sẽ là một trong những điểm nhấn trong thời gian tới” - ông Hiếu nói.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch cũng cần có định hướng xây dựng chương trình kích cầu phù hợp; đẩy mạnh truyền thông giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn hướng tới khách du lịch nội địa và những thị trường quốc tế đã kiểm soát tốt dịch bệnh để có thể nhanh chóng đón khách trở lại, sau khi Việt Nam đã khống chế Covid-19.
Ngành du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng một lần nữa đứng trước nhiều thử thách khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại. Để vượt qua khó khăn này đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh doanh bởi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.
Việc hỗ trợ DN du lịch phục hồi là giúp phục hồi các ngành kinh tế khác qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước, thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

"Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN du lịch duy trì hoạt động, khôi phục kinh doanh, nhưng việc tiếp cận gói vay không hề dễ dàng bởi ngân hàng xem DN du lịch nằm trong nhóm rủi ro cao nên từ chối cho vay, ngay cả khi DN chấp nhận lãi suất cao." - Giám đốc Sun Smile travel Dương Thanh Hằng


Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn

DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành, vì vậy những DN này cần đẩy mạnh liên kết hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn. Thời gian tới, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch.


Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Giúp doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi

Để hỗ trợ DN du lịch vượt khó do dịch Covid-19, thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần giảm giá bán điện đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất. Đề nghị Tổng cục Du lịch có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói hỗ trợ tín dụng các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn để hoạt động kinh doanh du lịch. Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có giải pháp giãn thuế, giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép DN chậm nộp thuế.


Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn: Cơ hội nhìn lại chính mình

Mặc dù dịch Covid-19 khiến ngành du lịch cả nước trong đó có Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành du lịch Hà Nội nhìn lại chính mình và chuẩn bị cho tương lai, trong việc xây dựng sản phẩm mới chất lượng, hấp dẫn, đa dạng; xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh trực tiếp và sâu rộng ra thế giới cũng như khẳng định Hà Nội là một trong những điểm đến giàu bản sắc văn hóa, văn hiến.


Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài: Mong Chính phủ, Nhà nước khơi thông nguồn tài chính cho doanh nghiệp

Đợt dịch lần thứ hai đang khiến tài chính của nhiều DN cạn kiệt nên rất cần tới sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là việc hỗ trợ bằng các khoản vay vốn ưu đãi để DN duy trì nguồn tài chính cho hoạt động. Vì vậy, rất mong Chính phủ, Nhà nước cần khơi thông nguồn tài chính cho DN nói chung và DN du lịch nói riêng. Có như vậy mới có thể giúp DN duy trì bộ máy, giữ chân người lao động có tay nghề, không bị “chảy máu chất xám” sau mỗi đợt dịch Covid-19.