Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp “đứng ngồi không yên” vì áp lực tỷ giá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá, song tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do vẫn nóng. Áp lực tỷ giá đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Tiến gần ngưỡng 26.000 đồng/USD

Đầu giờ sáng 23/4, tỷ giá USD niêm yết tại VietinBank, mua vào- bán ra ở mức 25.180 - 25.485 đồng/USD tăng 20 đồng ở chiều mua so với phiên trước đó. Giá USD tại ngân hàng BIDV niêm yết ở mức 25.185 - 25.485 VND/USD.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại Vietcombank đứng ở 25.145 đồng/USD (mua vào) và 25.485 đồng/USD (bán ra), phá đỉnh 24.133 - 25.473 đồng/USD (mua vào - bán ra) trong phiên giao dịch vừa thiết lập vào cuối tuần 19/4.

Đây đã là phiên thứ 6 giá bán USD tại các ngân hàng phá đỉnh, tiến gần hơn ngưỡng 26.000 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng tăng tiếp 90 đồng/USD ở chiều mua và 110 đồng/USD ở chiều bán so với cuối tuần trước, lên mức 25.770-25.870 đồng/USD (mua vào-bán ra). Hiện, giá USD tự do cao hơn ngân hàng khoảng 625 đồng ở chiều mua và 385 đồng ở chiều bán.

Trên thế giới, tuần  từ  15-19/4, chỉ  số  USD Index tăng  mạnh  hơn  2%, đóng cửa giảm điểm nhẹ trong ngày cuối tuần ở  mức  105,98 điểm.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã tăng khoảng 4,76% so với rổ tiền tệ định giá, được thúc đẩy bởi sức mạnh kinh tế vượt trội khiến Fed có thêm lý do để duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ khi lạm phát ngày một trở nên khó kiểm soát hơn. USD  tăng  giá  tạo  sức  ép  lên  các  đồng tiền trong khu  vực châu Á trong đó có VND.

Trước đà tăng nóng của tỷ giá USD/VND, ngày 19/4, NHNN đã phát đi thông báo về việc bắt đầu bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm với giá 25.450 đồng, thấp hơn mức trần 23 đồng để can thiệp tỷ giá. Động thái này được kỳ vọng giúp “giải nhiệt” tỷ giá. Tuy nhiên, sức nóng của USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao khiến tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do tiếp tục leo dốc.

Trong khi đó, biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao từ trên 5% đến gần 9%. Mức biến động của đồng Việt Nam được cho là phù hợp với điều kiện thị trường nhưng cần được theo dõi thận trọng.

PGS,TS. Phan Thị Thu Hà - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thông thường khi tỷ giá tăng, chi phí của những hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng và tác động đến tình hình lạm phát ở trong nước.

Tỷ giá tăng còn khiến chi phí du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng đồng USD lớn và nợ công (vay nước ngoài) sẽ phải chi thêm khoản tiền từ việc chênh lệch tỷ giá. "Việc này gây áp lực cho doanh nghiệp và tác động đến cân đối thu chi ngân sách"- bà Hà nói.

Khó chồng khó

Giá USD tăng mạnh đã khiến không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều công ty có hoạt động nhập khẩu  cũng "đứng ngồi không yên". Giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở Hà Nội tính toán, mỗi đơn hàng 100.000 USD trả cho đối tác, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm 100-150 triệu đồng.

Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng "bồi" thêm khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hợp đồng vận chuyển ký bằng USD. Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh Nguyễn Đặng Hiến cho biết, ngành sản xuất đồ uống nói chung đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có việc tỷ giá tăng.

Theo ông Hiến, hiện doanh nghiệp phải nhập một số các loại nước cốt cam, một số hương liệu và hạt nhựa từ các nước và hầu hết phải thanh toán bằng USD, kéo theo chi phí sản xuất lên 4-5%. Tuy nhiên, sức mua đang yếu nên giá bán sản phẩm từ nhiều tháng qua không tăng, nhiều hợp đồng đã ký trước đó với người mua hàng giá bán cũng thấp. Điều này khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. "Để hạn chế thiệt hại từ tỷ giá, chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ nội địa để thay thế nhập khẩu, tăng xuất khẩu đi các thị trường thanh toán bằng USD" - ông Hiến nói.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành thép đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay vì nhập khẩu. Cùng đó, họ sẽ phải tìm mọi cách hạ giá, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu tỷ giá không giảm về cuối năm hoặc tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp rất khó khăn.

Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết chia sẻ, biến động tỷ giá đầu năm nay là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo. Nếu tiền đồng mất giá 2 - 3% với các giao dịch chính thức đã nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Dẫu vậy, đến nay tỷ giá đã tăng gần 5%, trong khi giá nguyên phụ liệu vẫn duy trì ở mức cao do giá xăng dầu có xu hướng tăng, chi phí đầu vào, vận chuyển quốc tế đắt đỏ. Cộng thêm giá điện được dự kiến tăng, chi phí tiền lương có thể tiếp tục tăng khoảng 5%-10%... khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất.

Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).

Việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phục thuộc vào thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng hỗ trợ thương mại tốt, tham khảo sử dụng những công cụ tài chính phái sinh, các hợp đồng hoán đổi (swap) một cách phù hợp, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay.

 

Đại diện NHNN cho biết, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng. Đồng thời, ngân hàng điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.