Doanh nghiệp FDI đang tiến về phía Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vốn FDI những tháng đầu năm nay tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014, tăng ở tất cả các lĩnh vực, thể hiện ở lượng vốn và dự án đăng ký đều tăng, nhất là trong lĩnh vực điện tử”, lãnh đạo khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết.

Làn sóng FDI chảy vào nhiều lĩnh vực

Theo ông Huỳnh Quang Hải – Tổng giám đốc CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), vốn FDI vào Việt Nam tăng do các doanh nghiệp vào theo chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn. Dòng vốn FDI Hàn Quốc vào theo thương hiệu Samsung. Chẳng hạn, với quy trình sản xuất một cái áo thì phải cần đến nhiều công đoạn, đi theo những công đoạn đó là những nguyên, phụ liệu tương ứng để đáp ứng và hoàn thành sản phẩm là cái áo hoàn chỉnh.

 
Ảnh minh hoa
10 năm gần đây, xu hướng này lại dịch chuyển ra Bắc khi cơ sở hạ tầng tốt, rất thuận lợi về mặt địa lý.
Hiện các doanh nghiệp Mỹ chỉ cần chờ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết sẽ ồ ạt đổ vốn vào Việt Nam. Bên cạnh đó,  các tập đoàn của  Đài Loan, Trung Quốc cũng đang chờ rót hàng trăm triệu USD để đầu tư vào Việt Nam khi TPP được ký. Còn từ đầu năm đến nay, dòng vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang gia tăng mạnh, dịch chuyển từ các nước khác chứ không phải là dòng vốn đầu tư mới. Sự nhận diện rõ nét nhất trong thu hút vốn đầu tư vẫn là ngành dệt may và da giày, tiếp đến là điện tử, cơ khí chính xác, chế tạo, tiêu dùng, công nghiệp nhẹ.

Tại khu công nghiệp Việt – Singapore thời gian qua cũng ghi nhận sự gia tăng của dòng vốn ngoại đổ vào đây. Các doanh nghiệp trong VSIP cũng đã chuẩn bị đón đầu TPP để có được những quỹ đất tốt. Ngay cả các doanh nghiệp các nước không được hưởng lợi thế từ TPP cũng  chủ động đầu tư để cạnh tranh nếu không họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Khu công nghiệp tìm đường ra Bắc

Theo ông Huỳnh Quang Hải, trước kia thì các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều muốn “dừng chân” tại các tỉnh phía Nam, vì thị trường năng động hơn, mở hơn. Nhưng 10 năm gần đây, xu hướng này lại dịch chuyển ra Bắc khi cơ sở hạ tầng tốt, rất thuận lợi về mặt địa lý như: gần trung tâm hành chính của Việt Nam, gần Trung Quốc – thuận tiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, gần Nhật Bản – nơi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các tỉnh này cũng tốt lên, chính sách ưu đãi rộng mở, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định trong 5-10 năm...

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp FDI khi vào khu công nghiệp cần 10.000 công nhân thì các tỉnh phía Bắc Trung Bộ đáp ứng tốt, nhưng phía Nam thì không, và trình độ tay nghề cũng khá hơn. Do vậy, những doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam đều nhắm đến các tỉnh phía Bắc Trung Bộ. Ngay như VSIP cũng đang mở rộng hoạt động khu công nghiệp ra toàn quốc, đặc biệt chú trọng tại các tỉnh phía Bắc hay Bắc Trung Bộ như Quảng Ngãi, Hải Dương.

Hiện nay, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam rất hấp dẫn so với các nước khác. Lãnh đạo một khu công nghiệp tại TP HCM cho biết, mức thuế của Việt Nam rất ưu đãi so với các nước trong khu vực, hạ tầng cơ sở đã tốt lên, hệ thống logistic cũng đang hoàn thiện và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn rất nhiều.

Dù vậy, vẫn còn nhiều phàn nàn của doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam. Vì mỗi một doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có những khó khăn khác nhau, Chính phủ Việt Nam khó có thể cùng lúc giải quyết hết được. Chính phủ Việt Nam chỉ tạo môi trường chung thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Vấn đề đặt ra là, khi làn sóng FDI đang tăng, thì lương của người lao động có tăng lên khi diễn ra sự cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp hay không?

“Tôi không nghĩ mức lương sẽ tăng nhanh”, ông Hải nhận định. So với các nước trên thế giới, tốc độ tăng lương của Việt Nam gần đây khá nhanh. Do vậy, sự cải thiện mặt bằng lương cho công nhân trong khu công nghiệp còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để giữ lao động. Nhưng cũng không ngoại lệ là lực lượng lao động từ các nước khác tràn vào.

Dù Việt Nam vẫn đang yếu ở trình độ lao động, còn rất nhiều sự khác biệt so với sự kỳ vọng của doanh nghiệp nước ngoài, nhưng ông Hải cho biết, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải đào tạo lực lượng lao động của Việt Nam cho phù hợp với đòi hỏi của họ./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần