Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại Thạch Thất: Phớt lờ chỉ đạo của chính quyền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mấy ngày gần đây, hàng trăm người dân ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất đã kéo đến vây quanh xưởng sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Chi nhánh Công ty CP quốc tế Hòa Bình (gọi tắt là Công ty Hòa Bình) trên địa bàn để phản đối việc công ty này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình sản xuất...

Biết sai, vẫn vi phạm

Xưởng sang chai, đóng gói thuốc BVTV của Công ty Hòa Bình được xây dựng trên địa bàn thôn Nội Thôn, xã Phú Kim từ năm 2002, với diện tích trên 5.000m2. Trong quá trình hoạt động, công ty đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực lân cận, trong đó nặng nhất là các thôn Nội Thôn, Phú Nghĩa, Thúy Lai, Bách Kim của xã Phú Kim và một số thôn của 2 xã Đại Đồng, Hương Ngải. Theo phản ánh của nhiều công nhân làm việc tại công ty, sau mỗi ngày sản xuất, công ty vẫn xả "trộm" nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đồng thời, toàn bộ lượng rác thải, gồm vỏ bao bì thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các thùng phuy đựng thuốc BVTV không được công ty vận chuyển đi xử lý như báo cáo với cơ quan chức năng, mà tích trữ lại với số lượng lớn ngay tại khuôn viên xưởng sản xuất.

Có mặt tại xưởng sản xuất của công ty vào sáng 27/12, chúng tôi đã chứng kiến gần chục tấn rác thải đựng trong các bao tải chất đầy trong khuôn viên, bên cạnh một khối lượng lớn hàng thành phẩm gồm các loại thuốc trừ cỏ GO UP 480SC, Hagaxone 20SL, Sunrus 100WP; thuốc trừ sâu sinh học Golnitor 50WĐG; thuốc trừ ốc bươu vàng Clodan super 700WP… đang chờ xuất hàng. Dù mùi thuốc BVTV bốc lên nồng nặc, nhưng trong xưởng vẫn có công nhân làm việc, đáng chú ý, họ chỉ được "bảo vệ" bằng chiếc khẩu trang nhỏ. Khi đại diện nhân dân xã Phú Kim yêu cầu ông Ngô Quang Xuyên, Giám đốc điều hành Công ty Hòa Bình đưa đi "mục sở thị" bể chứa nước thải - nơi mà theo người dân cho là độc hại nhất, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân thì ông Xuyên đã từ chối. Tuy nhiên, ông Xuyên cũng thừa nhận trong quá trình sản xuất, công ty đã vi phạm một số quy định của pháp luật về BVMT!

Kêu không được thì… vây

Theo thống kê của UBND xã Phú Kim, có khoảng một mẫu ruộng thuộc khu Đồng Xị nằm sát khu sản xuất của Công ty Hòa Bình không thể cấy lúa nhiều năm nay; 3 - 4 mẫu ruộng gần đó năng suất lúa chỉ đạt 30 - 50kg/sào/vụ do ảnh hưởng nghiêm trọng của dư lượng thuốc BVTV do công ty xả ra. Bà Nguyễn Thị Hương, nhà có 2 sào ruộng gần Công ty Hòa Bình cho biết: "Những năm công ty mới về đây, năng suất lúa của chúng tôi thấp hẳn. Từ năm 2006 - 2007 đến nay, gia đình tôi không thể cấy được vì cấy lúa xuống, vẫn chăm bón bình thường nhưng lúa cứ lụi đi. Gần 30ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của xã Phú Kim thuộc hệ thống kênh đầm Quán Sải bị nhiễm thuốc BVTV cũng không thể sản xuất được. Hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng cá hoặc gà, vịt chết do nhiễm nặng thuốc BVTV do công ty này thải ra". Người dân cho biết mỗi khi đi làm đồng về là chân tay họ mẩn ngứa, có người tức ngực, khó thở khi hít phải khí thải do công ty này thải ra.

Cũng theo thống kê của UBND xã Phú Kim, từ đầu năm đến nay, trên địa  bàn xã, nhất là ở Nội Thôn có trên 10 trường hợp chết vì bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư dạ dày, gan và đại tràng. Chưa rõ có liên hệ nào giữa hiện tượng người chết vì ung thư trong xã với tình trạng ô nhiễm MT do Công ty Hòa Bình gây ra hay không, nhưng nhân dân rất lo lắng. Ông Cấn Văn Được, thôn Nội Thôn còn cho biết: "Khoảng tháng 10/2011, đàn vịt của anh Nguyễn Văn Cừ ở Nội Thôn khi chăn thả tại cánh đồng gần khu vực công ty đã bị ngộ độc thuốc sâu khiến hơn 100 con bị chết và được bồi thường 3,5 triệu đồng".

Quá bất bình vì sai phạm các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) của Công ty Hòa Bình không được xử lý và bức xúc hơn khi thấy công ty này tiếp tục sang chai, đóng gói thuốc BVTV nên khoảng 7 giờ sáng ngày 27/12, gần nghìn người dân của xã Phú Kim đã kéo về trụ sở Công ty Hòa Bình để phản đối và "cấm vận" không cho xe của công ty vận chuyển hàng hóa vào doanh nghiệp.

Mong được xử lý triệt để

Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Thạch Thất đã cử đại diện Phòng TN&MT, Công an huyện và cán bộ chính quyền xã… đến tuyên truyền, thuyết phục người dân giải tán. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng và đại diện doanh nghiệp tiến hành lập biên bản làm rõ vụ việc.

Được biết, từ khi phát hiện Công ty Hòa Bình xả thải trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường xung quanh, các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất và TP Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu có biện pháp khắc phục nhưng lãnh đạo công ty này vẫn "phớt lờ" chỉ đạo của cấp trên và đưa ra nhiều lý do để bao biện. Gần đây nhất, ngày 10/3/2011, Sở TN&MT Hà Nội đã kiểm tra công tác BVMT tại đơn vị này và có kết luận công ty gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở đã yêu cầu công ty phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải xong trước ngày 30/5/2011, nhưng đến nay, đã quá thời hạn 7 tháng, không những doanh nghiệp này chưa thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải như chỉ đạo, mà vẫn cố tình xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND xã Phú Kim cho rằng, cần phải đóng cửa cơ sở này càng sớm càng tốt vì vi phạm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Chỉnh, Phó phòng TN&MT huyện cho biết, Công ty Hòa Bình nằm trong danh mục doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời. Tuy nhiên, thẩm quyền đình chỉ hoạt động và yêu cầu công ty di dời lại thuộc về UBND TP. Về phía huyện, trước kiến nghị của cử tri, nhiều năm nay huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra theo quy định, có các văn bản kiến nghị, tham mưu UBND TP xử lý. Trên cơ sở các vi phạm Luật BVMT của Công ty Hòa Bình, UBND huyện Thạch Thất mong muốn TP sớm ra quyết định đình chỉ hoạt động của công ty, đồng thời đề nghị công ty khắc phục hậu quả ô nhiễm MT xung quanh xưởng sản xuất của mình trước khi di dời.