Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Tôi hay nói với các con, bố mẹ leo từ ruộng lên đồi, các con phải leo được từ đồi lên núi. Trách nhiệm của thế hệ doanh nhân F1 là làm sao động viên và tôn vinh để các con thế hệ F2 leo từ đồi lên núi”- ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam nói về câu chuyện chuyển giao và nhận chuyển giao trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

“Sống mờ nhạt không giúp được thế hệ doanh nhân F1 duy trì cơ ngơi hôm nay”
Tại buổi toạ đàm đàm “Thế và thời của thế hệ nhận chuyển giao” do Alphanam Group phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam và Deloitte tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên, những trao đổi chân thành, thẳng thắn và cởi mở giữa giữa F1 – thế hệ các doanh nhân bố mẹ đi trước và các F2- thế hệ doanh nhân trẻ của thời kỳ mở rộng kinh tế những năm cuối thế kỷ trước, những người kế thừa và dẫn dắt của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã diễn ra.
Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao - Ảnh 1
 Nhiều tên tuổi doanh nhân nổi tiếng gồm ông Trương Gia Bình, Phạm Đình Đoàn, Nguyễn Tuấn Hải đã tham gia sự kiện này
Nhiều tên tuổi quen thuộc trên thương trường tham gia buổi tọa đàm này gồm: ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT;  ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam …
Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao - Ảnh 2
 Thế hệ con cái của các doanh nhân Sao Đỏ đã có mặt để chia sẻ tại Tọa đàm
Đặc biệt hơn, buổi toạ đàm có sự tham gia của thệ hệ F2 của hầu hết các doanh nhân Sao Đỏ - những lớp kế thừa sáng giá của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Nói về câu chuyện chuyển giao, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam đặt câu hỏi: Làm sao để có thể đào tạo một thế hệ kế cận – thế hệ F2 của các doanh nhân Việt Nam một cách đúng đắn, tạo nên lớp kế thừa sáng giá cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam, những người trong tương lai sẽ gánh vác không chỉ là câu chuyện doanh nghiệp gia đình mà còn là kinh tế Việt Nam? Làm thế nào để các thế hệ doanh nhân F1 và F2 có thể tìm được tiếng nói chung, từ đó phát huy truyền thống kinh doanh và doanh nghiệp gia đình?
Ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, muốn chuyển giao một cách thành công, trước hết, thế hệ F2 phải có đam mê. “Có thể các con không biết thế hệ bố mẹ đã được thử thách, rèn luyện qua lửa như thế nào. Các con không có cơ hội như vậy. Nhưng thời các con bây giờ, phát triển DN khó hơn rất nhiều, vì thế, các F2 phải có nhiều điều kiện, trước hết là đam mê”- ông Bình nói.
Theo ông chủ FPT, từ đam mê dẫn đến những khát vọng, từ khát vọng đến hoài bão. “Khi có đam mê, sẽ có cảm giác mình có gì đó khác biệt, hay hơn người bên cạnh. Thế hệ bố mẹ các con đã sống hết sức đam mê ngay từ nhỏ, làm hết sức, chơi tới bến. Sống mờ nhạt không giúp F1 duy trì quy mô DN như ngày hôm nay”- ông Bình nhấn mạnh.
Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao - Ảnh 3
 Nguyễn Ngọc Mỹ- ái nữ nhà Alphanam- một trong những trường hợp chuyển giao thế hệ thành công của các doanh nghiệp gia đình Việt
Là một trong những gia đình đã có bước chuyển giao thành công giữa thế hệ F2 và F2, ông Nguyễn Tuấn Hải- Chủ tịch Alphanam cho rằng, nền tảng chuyển giao mà doanh nghiệp gia đình ông đã chuẩn bị được thực hiên từ rất sớm trên cơ sở tôn trọng và định hình sở thích, đam mê của các con. “Sự định hướng tương lai vào năm 14 tuổi là rất quan trọng, định hình cả cuộc đời. Lấy ví dụ cụ thể, ông có trao đổi với con trai (Nguyễn Minh Nhật, TGĐ. Công ty Cổ phần Alphanam E&C) rằng hai mươi năm sau, quản trị tài chính chính là công cụ đắc lực nhất để quản trị doanh nghiệp, và khơi dậy sự hứng thú, đam mê ở con. Tuy nhiên, tất cả những sự chuẩn bị của gia đình cũng chỉ là tạo ra nền tảng, mà quan trọng nhất là cùng với quá trình rèn luyện và đào tạo từng bước, thế hệ F2 sẽ tìm ra đam mê và nghị lực của chính mình, nỗ lực thực hiện đam mê đó thì mới có thể thành công”- ông Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ.
F2- kỳ vọng và trách nhiệm
Nhận thức rõ sự kỳ vọng mà F1 dành cho con cái, cũng như trách nhiệm của việc tham gia và gánh vác doanh nghiệp gia đình, thế hệ F2 của các doanh nghiệp gia đình chia sẻ câu chuyện đi tìm kiếm những kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, tích luỹ cho quá trình tiếp quản doanh nghiệp gia đình.
Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao - Ảnh 4
 Vũ Thị Thu Quỳnh- con gái đại gia Vũ Văn Tiền, ông chủ ABBank
Con gái của doanh nhân Sao Đỏ Vũ Văn Tiền- Vũ Thị Thu Quỳnh hiện đang công tác tại ngân hàng An Bình với vị trí Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Phòng giao dịch tại Hà Nội chia sẻ, sau những trì hoãn, ái nữ ABBank đã quyết định về nước và bước vào con đường kế nghiệp bố. Đầu tiên, Quỳnh dành thời gian tham gia và học hỏi từ các ngân hàng, từ cách tổ chức công việc và giải quyết vấn đề từ các ngân hàng cũng như từ các bậc tiền bối trong ngành, tìm hiểu rất sâu về ngành ngân hàng trước khi tham gia vào ngân hàng An Bình.

 

Doanh nghiệp gia đình và câu chuyện chuyển giao - Ảnh 5
 Mai Ngọc Hảo- bóng hồng nhà ông Mai Hữu Tín hiện là quản lý Công ty Cổ phần Tầm Nhìn Xanh
Với Bùi Quang Minh, con trai của Chủ tịch HĐQT HBM Group Bùi Minh Lực, hiện là Thành viên HĐQT Tập đoàn, Giám đốc VP Tập Đoàn, kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần TM Dịch vụ Ô tô Hoà Bình Minh, đó là câu chuyện cọ xát và học hỏi, xây dựng cùng hệ thống quản trị kinh doanh của doanh nghiệp thương mại và quản trị chuỗi giá trị nhà máy sản xuất.
Còn Mai Ngọc Hảo- con gái của ông Mai Hữu Tín, hiện đang quản lý Công ty Cổ phần Tầm Nhìn Xanh (Green View Shareholding Company), trực thuộc Unigroup cũng chia sẻ về câu chuyện đi tìm sự cân bằng kiến thức về ngành khách sạn – du lịch, đặc biệt là ở mảng quản trị và làm việc với các đối tác quốc tế khi chị đảm nhận trách nhiệm phát triển khách sạn Fairfield by Marriott South Bình Dương.
Trong tất cả các câu chuyện, đại diện các thế hệ F2 chia sẻ rằng họ luôn phải đối mặt với áp lực chưa đủ giỏi, mình chưa đủ kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là họ đi tìm kiếm những điều đó bằng trách nhiệm và sự can đảm, dám lao mình vào công việc, dám bước lên đầu sóng ngọn gió, và chịu trách nhiệm để đưa ra quyết định.
Bày tỏ quan điểm rằng, việc chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình là rất khó, dù hơn 80 – 90% doanh nghiệp ở thế giới và Việt Nam là doanh nghiệp gia đình, ông Phạm Đình Đoàn cho biết, sự khác biệt lớn nhất là thế hệ của ông – thế hệ F1 – làm theo kinh nghiệm và quan hệ, trong khi thế hệ F2 tại Việt Nam hiện tại hầu hết đều được đào tạo từ nước ngoài. Sự cách biệt văn hoá, cách làm, kinh nghiệm là những điều cần được điều chỉnh, dung hoà để tạo ra tiếng nói chung, giúp cho doanh nghiệp gia đình phát huy từ những truyền thống được kế thừa và bắt nhịp được với nhịp thở của kinh tế toàn cầu hoá hiện đại. Quan trọng hơn hết, F2 phải làm thế nào ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tạo ra được đam mê để phấn đấu và phát triển. “F2 cố gắng nhìn nhận những gì bố mẹ đang có và nỗ lực. F1 phải tìm cách để làm bạn với các con. Nếu cứ áp đặt trên xuống, các con sẽ phản kháng bằng cách ra làm riêng cho oách. Tôi hay nói với các con: “Bố leo từ ruộng lên đồi. Con từ đồi lên núi. Làm sao động viên và tôn vinh con cái leo lên từ trên đồi lên núi”- ông Đoàn nhấn mạnh.