Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Hà Nội mong có nguồn vaccine tiêm cho người lao động

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 98,2% DN nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP tạo điều kiện cho các DN hoạt động và phát triển trong thờì gian qua. Hiệp hội DNVVV mong muốn, TP tạo nguồn vaccine tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động phục vụ sản xuất, nhất là DN xuất khẩu, liên quan đến tiến độ giao nhận hàng hóa.

Đó là những ý kiến tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cộng đồng DN được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) gửi tới Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương ngày 8/8.
Chủ tịch Hanoisme Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT T&T Group là Tập đoàn tiên phong ủng hộ cho chương trình tiêm vaccine của TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
Khoảng cách thực hiện còn xa         
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đợt thứ tư, đã tạo nên một sự xáo trộn lớn và có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chịu ảnh hưởng rất nặng nề (số DN này chiếm 98,2%). Bên cạnh đó, luôn nhận được sự đồng hành của Chính phủ, TP Hà Nội do đó tăng trưởng kinh tế Thủ đô 6 tháng năm 2021 đạt 5,62% rất đang khích lệ, ghi nhận những đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, Ngoài ra, vừa giữ sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch, cộng đồng DN đã ủng hộ chương trình phòng chống Covid–19 hàng trăm tỷ đồng, thể hiện sự trách nhiệm xã hội vì sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đất nước.
Các DN đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm. Tuy nhiên, dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa, từ chủ trương tới triển khai thực tế, đòi hỏi cần có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh. Ảnh: Hoàng Anh
Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn về tài khoá, tiền tệ… Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020... Có thể nói, đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm qua do ảnh hưởng của Covid-19, các DN khó có lợi nhuận nên chính sách này chưa đi vào thực tiễn của DN.
Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các DN đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Kết quả cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN, nhất là DNNVV. Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…
Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.
Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Sunhoue. Ảnh: Hoàng Anh
Đa số các DN đánh giá, các chính sách được ban hành là hữu ích nhưng còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. các gói chính sách về tài khoá phản ứng khá nhanh và được áp dụng ngay. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, chủ yếu mang tính tâm lý vì giãn thuế thì vẫn phải nộp.
Chỉ 1,41% doanh nghiệp hoạt động tốt
Tác động của dịch Covid -19 đến DN là rất khó khăn theo kết quả khảo sát nhanh của các sở, ngành đối với gần 1.500 DN trên địa bàn TP trong tháng 6/2021 cho thấy: 57,10% DN trả lời hoạt động cầm chừng; 38,97% DN đang hoạt động bình thường; 2,61% DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể; 1,41% DN hoạt động tốt trong thời điểm dịch bệnh. Phần lớn các khó khăn là không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do bị ắc tách tại khâu lưu thông, vận chuyển; thiếu nguyên vật liệu đầu vào; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch; khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Một trong những hoạt động kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Ảnh: Hoàng Anh
Mới đây Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, đây là đòn bẩy để hỗ trợ cho DN tạo điều kiên cho người lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ trong giai đoàn khó khăn này.
10 kiến nghị để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
98,2% số DNNVV trên địa bàn TP đều ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP đã tạo điều kiện cho các DN hoạt động và phát triển trong thờì gian qua. Để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất và phát triển, trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, để phát triển kinh tế Thủ đô hoàn thành kế hoạch đề ra và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17, thay mặt cộng đồng DN, Hiệp hội DNNVV kiến nghị:
Thứ nhất, đề nghị TP cho phép thành lập Tổ Vaccine doanh nghiệp, Café Doanh nhân để kịp thời tháo gỡ khó khăn DN.
Thứ hai, đề nghị TP tạo nguồn vaccine tiêm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động phục vụ sản xuất, nhất là DN xuất khẩu, liên quan đến tiến độ giao nhận hàng hóa.
Thứ ba, DN cùng chính quyền TP kêu gọi ủng hộ chương trình vaccine của UBND TP hỗ trợ để thành phố mua vaccine phục vụ tiêm cho toàn dân Thủ đô.
Công nhân Tổng Công ty May 10 vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ tư, trong tình hình khó khăn do Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, Hiệp hội đề xuất Chính phủ cho giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho DN những tháng phải ngừng hoạt động của năm 2020 – 2021.
Thứ năm, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, DN cũng không thể kỳ vọng vào các gói hỗ trợ lớn như một số nước phát triển. Tuy vậy, DN mong Chính phủ, các bộ, ngành, TP rà soát, loại bỏ các thủ tục để DN hiểu và làm ngay, nhằm tạo điều kiện cải thiên môi trường đầu tư, kinh doanh nhất là trong lĩnh vực đất đai mặt bằng sản xuất, tạo cơ hội cho DN có điều kiện tăng quy mô sản xuất, nếu thời gian kéo quá dài hàng 2 - 3 năm sẽ mất đi cơ hội cho DN.
Thứ sáu, TP hỗ trợ cho DN trong công tác xúc tiến thương mại, cần đổi mới công tác này được thiết thực hơn như thu hút đoàn vào và thành lập phòng trưng bày sản phẩm chủ lực của TP để DN bạn vào tham quan, đặt hàng. Hiện chúng ta đã làm nhiều nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Thứ bảy,  đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19. Trên cơ sở đó, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép các DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi, được đề xuất khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt, đưa vào nhóm nợ xấu, để DN có thời gian phục hồi.
 Thứ tám, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và tài chính cho DN, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. (Thông tư số 01/2020-TT-NHNN quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước ngày 31/12/2020); chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho DN: Giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nỗ lực sản xuất, các doanh nghiệp thành viên Hanoisme tặng quà cho đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho DNNVV mà thêm DN trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…; Ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 để giúp các DN giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airline).
Thứ chín, về mua sắm công 4 thì nguồn ngân sách Nhà nước luôn là một trọng số để kích cầu. Trong đó, tạo công văn việc làm cho DN các ngành. Vậy đề xuất không giới hạn, hạn chế, chỉ định những gói thầu mua sắm công để các DN có đủ năng lực cung cấp. Tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho những DN khác...
Thứ mười, thanh kiểm tra các DN hoạt động theo tuân thủ của pháp luật. Việc thanh tra kiểm tra là cần thiết, tuy nhiên tại thời điểm khó khăn này, và dịch diễn biễn ngày càng phức tạp nên có thể tạm hoãn, lùi lại để DN tập trung vào nguồn lực sản xuất. Về phí các DN phải chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý.