Về phía Hàn Quốc có Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trên cơ sở mối "lương duyên" lâu đời, sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã góp phần giúp mỗi bên phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và đóng góp vào hòa bình, ổn định - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh, thành phố với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 79,8 tỷ USD.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, sau 30 năm, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên cả bình diện song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Hai bên đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Tin cậy chính trị và hiểu biết giữa hai nước không ngừng được củng cố.
Trên cơ sở mối "lương duyên" lâu đời, sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã góp phần giúp mỗi bên phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư, hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao việc cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, thời gian qua luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước vận hành trở lại, không để gián đoạn sản xuất.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã đồng hành, chia sẻ, ủng hộ trong nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng với những đóng góp quan trọng, ý nghĩa, thiết thực, kịp thời và hiệu quả.
Qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài và thực tiễn triển khai các dự án đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, chính sách cũng như trong công tác triển khai thực hiện.
Để lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Thủ tướng đã có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 9/2021, trong những ngày tháng nhiều lo âu "không thể nào quên được" trước những khó khăn rất lớn do dịch bệnh và sau đó có nhiều cuộc đối thoại khác.
Đến nay, 25/29 đề xuất, kiến nghị đưa ra tại cuộc đối thoại đã được xử lý, nhất là các kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục tích cực nghiên cứu xử lý 4 đề xuất, kiến nghị còn lại.
Trên tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc làm việc hôm nay nhằm gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, dân chủ, xây dựng để tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả với quan điểm "khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", các đề xuất cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng đề nghị đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc nêu các vấn đề còn gặp vướng mắc, khó khăn, đề xuất, sáng kiến, tầm nhìn, chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển, nhân dân hai nước ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam tập trung trao đổi, giải đáp và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp.
"Với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, những khó khăn, vướng mắc nào giải quyết được ngay thì có câu trả lời rõ ràng; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải pháp với lộ trình cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng phát biểu.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
"Cuộc đối thoại tháng 9/2021 của Thủ tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ở thời điểm đó và đến nay, các doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, tiêm vaccine cho người lao động, mở lại các rạp chiếu phim… 25/29 kiến nghị tại cuộc đối thoại đã được giải quyết", Đại sứ khẳng định.
Cùng với việc thực hiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng đánh giá Việt Nam sẽ dễ dàng đạt mức tăng trưởng ít nhất 6% trong năm nay, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, ngay cả khi kinh tế thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, đây là điều vô cùng ấn tượng, Đại sứ phát biểu.
Đại sứ cho rằng, những thành tựu này có được là nhờ tình hình đất nước ổn định và sự điều hành, chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Hàn Quốc đánh giá cao điều này. Cùng với đà phục hồi của kinh tế Việt Nam, thương mại và đầu tư hai nước đang gia tăng rõ rệt và nếu giữ nguyên tốc độ phục hồi, tăng trưởng này, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 100 tỷ USD vào năm nay, sớm hơn mốc thời gian đã đặt ra là năm 2023.