Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp hồi sinh mạnh mẽ

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phục hồi nhanh chóng về nhịp độ sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới của nhiều DN là minh chứng rõ nét cho thấy những giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ đang phát huy tác dụng.

Lấy lại phong độ, phục hồi doanh thu

Tháng 4/2022 cũng đánh dấu kỷ lục khi trở thành tháng có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, với 15.001 DN. Con số này cao hơn mức trung bình 13.043 DN thành lập mới trong tháng 4 của giai đoạn 2017 – 2021. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 4/2022 là 104.757 người, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 4 cũng ghi nhận 7.034 DN quay trở lại hoạt động, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải

Một tín hiệu đáng mừng nữa của nền kinh tế là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đã đạt 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm so với quý IV/2021. Đây cũng là mức cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Đà tăng này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Hơn 2/3 số DN được hỏi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022; gần 66% số người tham gia khảo sát kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong quý thứ 2 của năm, so với 52% của quý trước.

Tương tự, hơn 46% số người được hỏi dự đoán số lượng nhân viên sẽ tăng trong quý tới. Đây là kết quả tích cực cho thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ.

Tác động của dịch Covid-19, khiến hoạt động của Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh bị trì trệ. Đặc biệt, trong cao điểm giãn cách, doanh thu của công ty giảm khoảng 70%. Trong khi đó, mỗi tháng công ty phải chi ra hơn 700 triệu đồng, gồm tiền lương, bảo hiểm xã hội, điện nước, lãi vay… Ngoài ra, mỗi tháng công ty còn phải thanh toán 150 triệu đồng tiền thuê mặt bằng.

“Nhờ có chính sách của Chính phủ, DN được gia hạn, miễn giảm tiền thuế thu nhập DN, tiền thuế đất trong kỳ quyết toán thuế. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, rất quan trọng và có ý nghĩa với DN, giúp DN có nguồn lực tài chính chi trả các chi phí sản xuất, đặc biệt là chi trả đều đặn tiền lương cho lao động cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đợt dịch vừa qua”- Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Phúc Thịnh Lê Phước Khánh Tường bày tỏ.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, cộng đồng DN đang quen dần với trạng thái bình thường mới. Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng được kết nối sau thời gian gián đoạn và nhiều đơn vị đã phục hồi rõ nét. Hiện tại nhiều đơn vị đã có đơn hàng đến hết quý III/2022.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam Tô Hoài Nam đánh giá, Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có những chính sách thiết thực như hỗ trợ tiền thuê nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất DN… đã tạo điều kiện cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ được ban hành rất kịp thời, phù hợp, như một cánh cửa mở ra cho DN. Đồng thời tạo cơ hội việc làm trở lại cho người dân, tạo đà sản xuất, cung ứng sản phẩm và từng bước giúp Việt Nam khôi phục nền kinh tế.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận

Đánh giá về hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế, TS Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế. Điều này thể hiện, trong vòng 20 ngày sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành chương trình chi tiết về phục hồi kinh tế.

“Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách đã được thực thi sớm, rất nhiều chính sách hiện nay vẫn đang trong quá trình xây dựng và chờ để triển khai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế cũng như khả năng phục hồi của DN” – TS Phan Đức Hiếu nhận định.

Đưa ra giải pháp để chương trình phục hồi kinh tế mang lại hiệu quả tích cực, TS Phan Đức Hiếu cho rằng, bên cạnh sự quyết liệt, linh hoạt, cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, cần có sự thống nhất của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, nhằm tạo thuận lợi cho DN tiếp cận các gói hỗ trợ.

Sắp tới, khi có nhiều chính sách triển khai, cần phải tổ chức thực thi hướng đến sự minh bạch, công bằng dễ tiếp cận và đừng biến chính sách trở thành áp lực ngược lại mới đáp ứng được mục tiêu phục hồi hiện nay.

Thời điểm này, Hà Nội đang tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ công tác của TP tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, TP tập trung triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các đối tượng kể trên.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả gói tín dụng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình kết nối ngân hàng - DN.

Theo UBND TP Hà Nội, trong năm 2022 TP dành gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm 921,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP bổ sung năm 2022 và hơn 1.056 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng để cho người nghèo, gia đình chính sách khác, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn để khôi phục kinh tế. Nguồn vốn trên được ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP, các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nhằm phân bổ vốn đúng đối tượng, mục đích, tránh trùng lặp với các chương trình hỗ trợ có liên quan của T.Ư và TP.

Để nguồn vốn chảy nhanh đến với các đối tượng trên, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành, cơ quan liên quan và tổ chức chính trị - xã hội hoàn thiện hồ sơ cho vay, triển khai giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

 

"Nhiều DN hiện đang rất khó khăn và chính sách, giãn hoãn thuế, miễn giảm phí đúng là giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính nhưng họ vẫn còn gánh trên mình chi phí lãi vay, chi phí logistics, nhân công, nguyên phụ liệu… đều tăng cao. Vì thế, các chính sách hỗ trợ DN cần được phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là sự phối hợp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như tăng cường tính dự báo, dự đoán mọi biến động của thị trường." -  Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Tô Hoài Nam

"Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ số, tăng cường đối thoại để tiếp thu ý kiến, phản hồi từ DN một cách công bằng, thấu đáo. Thấu hiểu DN thì các chính sách sẽ càng phù hợp hơn. Cùng với đó, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức hợp lý, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi sẽ cộng hưởng giúp DN nhanh chóng phục hồi, lấy lại nhịp độ kinh doanh trong bình thường mới." - TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam