Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên sự thay đổi nhanh chóng của việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn thế giới. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot, người lao động đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, tự động hóa. Việt Nam với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người, có lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 11% lao động có kỹ năng tay nghề cao. Khi tiến bộ công nghệ thay đổi thì yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng và DN Việt Nam cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân tài.
Khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam với 39.195 nhà tuyển dụng tại 43 quốc gia cho thấy, các công ty lớn gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân tài gấp đôi so với DN nhỏ. Những nguyên nhân chính là do thiếu ứng viên, ứng viên thiếu kinh nghiệm hoặc kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng mềm… Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam Simon Matthews cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân tài, các nhà tuyển dụng đã đưa ra những chiến lược chính như: Cung cấp các khóa đào tạo và phát triển, thay đổi yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm. Cùng với việc tuyển dụng từ các nguồn khác truyền thống, nhà tuyển dụng đã cung cấp các gói phúc lợi, tìm các mô hình việc làm khác như hợp đồng, cộng tác viên, công việc tạm thời hoặc cung cấp các gói lương cao hơn, khoán việc… Thực tế, đã có 54% nhà tuyển dụng chọn giải pháp đào tạo để phát triển nhân viên và có 36% nhà tuyển dụng thay đổi yêu cầu về trình độ và kinh nghiệm để tuyển dụng được người.Để chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai hội nhập quốc tế thành công, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định sẽ phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước. Đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, ông Simon Matthews cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong việc nâng cao kỹ năng cho người lao động ở các lĩnh vực tăng trưởng mạnh. Vì thế, Chính phủ, DN và nhà trường cần phối hợp với nhau chuẩn bị cho thế hệ trẻ thích nghi với thế giới việc làm tương lai khi mức độ số hóa và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết. Ông Simon cũng cho biết, hiện nay 10 ngành nghề đang được tuyển dụng nhiều nhất, đó là: Thợ lành nghề, kỹ sư, kỹ thuật viên, kế toán tài chính, hỗ trợ văn phòng, đại diện bán hàng, tài xế, IT, chuyên gia và sản xuất.