Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp không phải chỉ ngồi chờ nhà trường đào tạo

Tin, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị người sử dụng lao động năm 2018 hợp tác DN và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thông tin, hiện nay phân luồng học sinh sau THPT đi học nghề mới đạt từ 8 - 10%, vì thế trong thời gian tới phân luồng là xu hướng thúc đẩy quan trọng. Và để đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nghề, đối tác công tư là quan trọng để giải quyết mối quan hệ xưởng - trường. Bởi thực tế hiện nay việc học chay vẫn còn nhiều.
Các đại biểu đề nghị cần xã hội hóa đào tạo theo hướng công - tư
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, với sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai sẽ có tới 70% công việc chúng ta đang làm sẽ mất đi. Vì thế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
“Tôi muốn hệ thống GDNN gọn gàng hơn và thời gian đào tạo được rút ngắn. Hiện nay, các nước đào tạo đại học chỉ có 3 năm, trong khi Việt Nam từ 4 - 5 năm và giáo dục cao đẳng 3 năm. Nếu chúng ta đào tạo 4 - 5 năm, khi người học ra trường thì nghề đào tạo đã thay đổi. Vì thế, cần rút ngắn thời gian đào tạo và kết hơn đào tạo nghề theo hình thức online, giữa xưởng và trường” - ông Lộc đề nghị.
Theo ông Lộc, DN là động lực chính thúc đẩy hoạt động GDNN. DN đầu tư vào GDNN còn nhà nước với vai trò hỗ trợ. “DN không phải đại lãn chờ sung, chờ các trường đào tạo xong rồi tuyển dụng nhưng lại kêu đào tạo không đáp ứng yêu cầu. DN cần định hướng nhu cầu nghề nghiệp, công việc và cùng nhà trường tham gia soạn thảo chương trình, giáo trình đào tạo nghề. Các kỹ sư, công nhân giỏi, nhà quản lý giỏi tham gia vào giảng dạy ở nhà trường, tiếp nhận thực tập sinh…” - Chỉ tịch VCCI nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh khẳng định vai trò của DN trong nâng cao chất lượng đào tạo nghề đã được quan tâm từ nhiều năm qua. “Thực hiện Luật GDNN, chúng tôi triển khai nhiều hoạt động đào tạo gắn kết DN nhưng vẫn chưa chặt chẽ, DN chưa thấy quyền lợi của mình khi tham gia đào tạo. Trong khi đó, các trường chưa thực sự lăn lộn, mời DN tham gia vào hoạt động của nhà trường. Cho nên người học ra trường vẫn bị DN đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu” - ông Minh cho biết.
Để nâng cao chất lượng GDNN, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới với 3 biện pháp” như từng bước nâng cao tự chủ cho nhà trường để phát huy được năng lực. Bộ LĐTB&XH chuẩn hóa các điều kiện đào tạo, trong đó có chuẩn hóa điều kiện giáo viên phải biết được cả lý thuyết và thực hành; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo thiết bị, cơ sở vật chất. Chương trình đào tạo có sự tham gia của các DN và DN cũng nhận sinh viên đến thực tập.
Không chỉ thế, DN đưa ra được dự báo nhân lực của mình trong thời gian tới và DN xây dựng chuẩn kỹ năng của từng ngành nghề…