Công ty CP Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT GROUP), đóng tại KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội là DN về phụ trợ công nghiệp chuyên thiết kế chế tạo máy, gia công cơ khí, cơ khí chính xác, tự động hóa dây chuyền sản xuất và các phần mềm hỗ trợ quản lý sản xuất. Với hơn 200 nhân viên đang làm việc, 3 nhà máy của PMTT GROUP đã bắt tay ngay vào sản xuất sau khi nới nỏng giãn cách. Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Trung cho biết, các chính sách của Chính phủ, TP Hà Nội, nhất là Nghị quyết 128 được ban hành phù hợp trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Sau một thời gian phải cầm chừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch, đây là cơ hội để DN ổn định đẩy mạnh sản xuất, bù lại lượng hàng bị trì trễ trong quá trình giãn cách.
Nắm bắt cơ hội, PMTT GROUP đã nhanh chóng đưa ra các chiến lược, kế hoạch hoạt động thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, PMTT GROUP vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. "Cúng tôi quán triệt nhân viên thực hiện nghiêm quy định 5K, tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR code, đưa việc này trở thành thói quen, nội quy trong DN. Công ty cũng quy trì ổn định nhân sự, tăng cường sản xuất tách ca kíp để bù lại đơn hàng chậm trễ" - Tổng Giám đốc PMTT GROUP Nguyễn Quang Trung chia sẻ.
Đến Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (HNC - Lô 38I, KCN Quang Minh, Mê Linh, TP Hà Nội) phóng viên Kinh tế & Đô thị nhận thấy, không khí làm việc đang hết sức khẩn trương. Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu đánh giá cao các chính sách, đặc biệt Nghị quyết 128 dự báo sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển sản xuất một cách linh hoạt. “Hiện HNC vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch, vận động người lao động thực hiện tiêm phòng đầy đủ, tuân thủ 5K, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại DN và KCN” – vị này thông tin.
Đặc biệt, về phương diện khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Minh Châu thông tin, HNC đã đón lao động trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc (phục vụ công tác phòng chống dịch). Đồng thời, tuyển dụng bổ sung lao động thiếu, hụt; xúc tiến lại các dự án bị gián đoạn với khách hàng. Đặc biệt, DN tích cực cải tiến năng suất, giảm chi phí quá trình sản xuất, mạnh dạn củng cố, nâng cao năng lực phục vụ trong thời gian bình thường mới. “CNC là một DN trẻ nên Ban lãnh đạo Công ty có sự năng động, nhiệt huyết. Người lao động gắn kết, chia sẻ với DN. Khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ của DN... là động lực lớn xây dựng ngôi nhà chung, cùng nhau phát triển trước ảnh hưởng của dịch” – ông Nguyễn Minh Châu nói.
|
Người lao động PTTM Group tập trung làm việc đảm bảo các đơn hàng sau giãn cách. Ảnh: Khắc Kiên |
Điểm nhấn cho nỗ lựcTheo Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Đinh Vũ Minh Việt (tại Lô A2CN3 - Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), công ty đã yêu cầu toàn bộ người lao động thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, không chủ quan làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều kịch bản đã được xây dựng, trong đó bù đắp sự khó khăn, thiếu hụt lao động do tình hình dịch bệnh, Thống Nhất đẩy mạnh đầu tư máy móc, trang thiết bị tự động hóa, nâng cao năng suất để đáp ứng các đơn hàng. Do đó, kết quả kinh doanh năm nay ước cũng sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Rõ ràng, ngoài các chính sách đã ban hành, quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19” mở ra điều kiện tốt cho các DN nhằm khôi phục nền kinh tế, ổn định sản xuất. Các DN luôn xây dựng kịch bản phát triển cho nhiều tình huống và ứng biến kịp thời. Sau khi Nghị quyết được ban hành, các DN nhanh chóng triển khai các kế hoạch thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các DN vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Quy định là điểm nhấn cho cộng đồng DN. Để làm được điều đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đặt quyết tâm cao trong việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh là hướng đi vô cùng đúng đắn. Song, khó khăn lớn là chi phí sản xuất tăng cao, đặc biệt là chi phí liên quan đến phòng, chống dịch, vận chuyển, đơn hàng giảm sút do ảnh hưởng chung của chuỗi cung ứng. Do đó, các DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh…
Hiện 100% các DN trong KCN-CX Hà Nội đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Chỉ thị 22 của TP Hà Nội, đặc biệt là khi Nghị quyết 128 mới đây của Chính phủ là điểm nhấn sát thực để cho DN phục hồi nền kinh tế. Qua theo dõi, DN và người lao động phấn khích, hăng say bắt tay ngay vào công việc để bù đắp những đơn hàng. Hiện, Ban Quản lý KCN-CX Hà Nội vẫn yêu cầu các DN không chủ quan, lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh để sản xuất một cách an toàn. Ngày 30/10 tới, Ban sẽ tổ chức diễn tập phòng chống dịch tại KCN Thăng Long (Đông Anh) để nâng cao ý thức cho DN và người lao động thích ứng trong tình hình mới.Phó Trưởng Ban Quản lý KCN-CX Hà Nội Trần Anh Tuấn |
Do đợt giãn cách nên một số đơn hàng bị chậm tiến độ nhưng nhờ sự hỗ trợ của công ty mẹ đến thời điểm này, hoạt động sản xuất của K+K Fashion vẫn ổn định. Hiện công ty đang tập trung sắp xếp các quy trình sản xuất để đẩy mạnh công suất mà vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch, lấy tiêu chí an toàn sản xuất là trên hết.Trưởng phòng Hành chính Công ty TNHH K+K Fashion (Cụm Công nghiệp Ngọc Hòa - Chương Mỹ, Hà Nội) Nguyễn Thị Huyền |