Doanh nghiệp lách luật, ngân sách thất thu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính gần 21.206 tỷ đồng.

Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ phải nộp thêm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vì có hành vi lách luật.  	 	Ảnh: Lan Anh
Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ phải nộp thêm tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vì có hành vi lách luật. Ảnh: Lan Anh
Các kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/3/2015 là 13.390 tỷ đồng, đạt 63,1%. Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nằm trong kế hoạch kiểm toán. Riêng Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đại diện KTNN xác nhận tổng công ty này phải nộp thêm 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì có hành vi lách luật… thông qua chuỗi công ty con.

Yêu cầu doanh nghiệp nộp đủ thuế
Sẽ kiểm toán giá điện
Kết quả kiểm toán năm 2014 cũng có kết luận liên quan đến cách điều hành giá xăng dầu, như một số DN đầu mối nhập xăng dầu không chấp hành đầy đủ quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu và dự trữ lưu thông theo quy định. KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra và xử lý các đơn vị này cũng như những DN mua xăng dầu không phải từ DN đầu mối nhập khẩu để kinh doanh. Trước những bức xúc của dư luận về việc hóa đơn tiền điện tăng bất thường thời gian qua, lãnh đạo KTNN khẳng định sẽ đưa vấn đề này vào nội dung làm việc của năm tới.

Vấn đề truy thu thuế của Sabeco làm nóng buổi họp báo công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2014 sáng 10/7. Theo quy định, bia sản xuất ra sẽ phải nộp thuế TTĐB với mức 50% tại thời điểm năm 2013, song giá nào để làm mốc tính thuế rất quan trọng, quyết định mức thuế phải nộp. Bộ Tài chính đã có Thông tư số 05/2012 quy định: Nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra... Tuy nhiên, qua kiểm toán Sabeco, KTNN cho biết, tổng công ty này đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty Thương mại Sabeco (công ty con). Sabeco tính, kê khai và nộp thuế TTĐB theo giá bán ra tại công ty con này.

Chính vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Tài chính và kết luận kiểm toán, KTNN yêu cầu Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco. Do chênh lệch giá lớn nên KTNN xác định, Sabeco phải nộp thêm khoảng 408 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Việt Hương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán khu vực 4 cho biết, bản chất thuế TTĐB đánh vào khâu sản xuất, và xác định ở giá bán ra trong khâu cuối cùng của sản xuất. Hiện nay, theo mô hình tổ chức sản xuất của Sabeco, đơn vị đã thành lập Công ty TNHH Thương mại MTV Sài Gòn Sabeco, để tiêu thụ các sản phẩm của Bia Sài Gòn. DN này có 100% vốn của công ty mẹ. Sau đó, công ty thương mại này thành lập nên các công ty liên kết, công ty con có vốn của Sabeco 90 - 94%. Các công ty thương mại khu vực sẽ bán các sản phẩm của Sabeco tới đại lý cấp 1. Từ đây, đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2 rồi mới bán cho các nhà hàng, người tiêu dùng... “Qua kiểm toán Sabeco, KTNN đã phát hiện lỗ hổng pháp lý. Ở đây, các DN lập nhiều tầng nấc bán hàng trong hệ thống với giá thấp làm giảm số tiền phải nộp thuế gây thất thu thuế TTĐB cho ngân sách Nhà nước (NSNN)” - bà Hương khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc có thực hiện truy thu thuế TTĐB của Sabeco hay không khi đơn vị này có văn bản phản ứng kết quả kiểm toán về số tiền 408 tỷ đồng, ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng KTNN khẳng định, Sabeco chắc chắn phải nộp thuế truy thu. "Theo luật, Sabeco có quyền khiếu nại kết quả kiểm toán, nhưng trước tiên vẫn phải thực hiện những kiến nghị đã nêu" – ông Khổng nói. Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để tránh tình trạng nhiều DN lách thuế hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm...

Báo cáo của KTNN cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của DN Nhà nước như hoạch toán, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập thu nhập DN phải nộp, lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN vẫn diễn ra tại DN đơn vị được kiểm toán; tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN tại các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan T.Ư chưa khắc phục được nhiều qua kiểm toán. KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 3.284,5 tỷ đồng, trong đó các tập đoàn, tổng công ty phải nộp thêm là 1.619,8 tỷ đồng.

Số liệu thống kê nợ công chưa đầy đủ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng dư nợ công đến 31/12/2013 theo Luật Quản lý nợ công là 1.954.261 tỷ đồng, bằng 54,5% GDP. KTNN cho biết, báo cáo số liệu thống kê nợ công của Bộ Tài chính chưa kịp thời, đầy đủ, còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay dẫn đến số liệu nợ công đến 31/12/2013 giảm 25,28 tỷ đồng so với báo cáo tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2013. Số liệu theo dõi nợ nước ngoài của Chính phủ tại hệ thống DMFAS còn sai sót, chưa đối chiếu đầy đủ với các chủ nợ.

KTNN cũng chỉ ra tình trạng mất cân bằng kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo đó, trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ phát hành có kỳ hạn ngắn (chủ yếu 2 năm, 3 năm, 5 năm) trong khi không ít dự án có thời gian cho vay kéo dài từ 5 - 12 năm. Điều này làm tăng hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu để đảo nợ hoặc rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng do NSNN gánh chịu.

Theo KTNN, việc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài chưa được theo dõi chặt chẽ, việc quản lý nợ chính quyền địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định trong huy động vốn của chính quyền địa phương…

KTNN kiến nghị, bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cần đầu tư vào những lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn vốn sớm phát huy hiệu quả sử dụng các dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa xã hội, tăng thu NSNN sớm trả nợ và đầu tư cho các lĩnh vực khác. Đồng thời xem xét để đưa nguồn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách, tránh có quá nhiều hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý sử dụng đối với từng nguồn vốn, nhằm quản lý một cách tập trung thống nhất, tránh phân tán nguồn vốn.
Luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico:

Chống gian lận thuế phải ưu tiên hàng đầu

Thay vì tăng thuế đối với người dân và DN, để tăng thu ngân sách, cần kiên quyết đấu tranh chống lại hành vi gian lận thuế, coi cuộc chiến chống gian lận thuế là một trong những ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, căn cứ tính thuế TTĐB là chưa rõ ràng, thì quan trọng là cần phải hoàn thiện lại quy chuẩn quy định này để làm cơ sở tính thuế cho rõ ràng, hợp lý. Bởi thuế TTĐB vẫn là đánh vào người tiêu dùng, nên nếu không có cơ sở xem xét rõ ràng thì người tiêu dùng cuối cùng vẫn là người chịu thiệt.
Ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Việc thành lập công ty con, công ty cháu và thực hiện các hành vi chuyển giá trong nội bộ công ty, giữa công ty mẹ và công ty con đã diễn ra từ lâu trong hoạt động thương mại. Không ít quốc gia đã đau đầu với gian lận về thuế, trong đó có gian lận trong phạm vi một quốc gia và xuyên quốc gia. Trên thực tế có thể luật pháp chưa lường hết các tình huống, nên quy định chưa thật rõ ràng, chưa đầy đủ. Đặc biệt là các quy định về đơn vị nộp thuế, về các công ty thành viên tham gia phân phối sản phẩm và các quy định về giá nội bộ, giá dịch vụ cung cấp lẫn nhau, về chi phí và doanh thu nội bộ. Để DN hiểu không đúng (vô tình hay cố ý) trước hết là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý thuế, sau nữa là trách nhiệm của các DN…
TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế:
Cần xử lý công bằng

Trường hợp của Sabeco và các công ty bia, thuốc lá khác, họ đã lập ra các công ty con, hoạt động theo mô hình liên kết để né thuế. Cơ quan quản lý cần quyết liệt xử lý việc này. Sabeco kêu khó thực hiện vì do lợi nhuận năm 2013 đã chia cổ tức và nộp vào các quỹ rồi chỉ là lý do ngụy biện, không chấp nhận được. Do đó, để chống thất thu ngân sách, Nhà nước sẽ thu khoản này vào những năm tới chứ không thể bỏ được.
Bà Vũ Thị Mai Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Sớm sửa chính sách để bịt kẽ hở

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị với Bộ Tài chính cần thay đổi cách xác định giá tính thuế TTĐB với các DN trong lĩnh vực bia và bên cạnh đó là cả thuốc lá... Thời gian qua, Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trong tháng 7 hoặc tháng 8 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Thuế TTĐB và Luật Thuế TTĐB sửa đổi theo hướng hạn chế những khả năng “lách”, chuyển giá này của các DN. Cụ thể, giá tính thuế TTĐB vẫn là giá của nhà sản xuất bán ra nhưng không thấp hơn 5% (quy định hiện hành là 10%) so với giá bán cao nhất của các cơ sở thương mại bán ra. Điều này sẽ giúp hạn chế khả năng các DN lập các khâu trung gian nhằm bán giá thấp cho nhau, lấy giá đó tính thuế. Sau khi tính thuế xong thì nâng vọt lên bán cho người tiêu dùng... Văn bản dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần