Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lo rủi ro lãi suất, tỷ giá tăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát tăng cùng với tín dụng cao và tác động từ lộ trình tăng mạnh lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ngày một thu hẹp dần.

Sau nỗi lo giá xăng, tỷ giá, tăng lãi suất là những trở ngại với DN nửa cuối năm 2022.

Hoạt động nghiệp vụ tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải  
Hoạt động nghiệp vụ tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải  

Áp lực ngày một gia tăng

Tỷ giá USD/VND vừa có quãng tăng khá mạnh. Trong hai tuần cuối tháng 6 sau khi FED tăng lãi suất, tỷ giá trung tâm tăng 23 đồng, lên mức 23.112 đồng/USD. Bước sang tháng 7, tỷ giá trung tâm tiếp tục đà tăng với tốc độ nhanh hơn. Tính tới ngày 16/7 tỷ giá trung tâm đứng ở mức 23.225 đồng/USD tăng 113 đồng so với thời điểm 16/6.

Giá bán USD tại ngân hàng Vietcombank ở mức 23.580 đồng/USD cũng tăng 210 đồng so với giá bán cách đây 1 tháng là 23.370. Giá USD trên thị trường tự do có thời điểm tăng tới 300 đồng, leo lên mốc gần 25.000 đồng mỗi USD.

 

Theo báo cáo của SSI Research, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Sự tăng vọt của đồng USD trên thị trường quốc tế đang kéo theo những biến động của tỷ giá trong nước. Tỷ giá USD/VND được điều chỉnh tăng khá mạnh khi mà trên thị trường thế giới, đồng bạc xanh lên cao nhất trong khoảng hai thập niên và được xem là tài sản trú ẩn hàng đầu cho các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn.

Việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này, sau khi một báo cáo lạm phát không mấy khả quan cho thấy áp lực về giá. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực cho các đồng nội tệ các nước.

Không chỉ tỷ giá, lãi suất huy động của các ngân hàng cũng có xu hướng tăng. Hiện mức lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay lên tới 7,55%. Chuyên gia dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng khoảng 0,5 - 1% trong khi lãi suất cho vay tăng 0,4 - 0,7% từ nay đến cuối năm.

Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, trong tương lai, các đồng tiền mới nổi ở châu Á bao gồm VND sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm nữa khi FED có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2022. Ngoài ra, UOB cũng dự đoán NHNN sẽ có xu hướng khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn.

Sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: Hải Linh  
Sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất). Ảnh: Hải Linh  

Doanh nghiệp nơm nớp lo

Tỷ giá USD/VND, lãi suất tăng dần khiến hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi khi áp lực cạnh tranh gia tăng. Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, VND đang neo theo đồng USD, bởi nếu VND không tăng theo, Mỹ sẽ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên so với các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)... mức giảm của VND có phần khiêm tốn hơn chỉ 0,53% trong tháng 4 và 0,57% so với cuối năm 2021.

Ngược lại, đồng Won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất; đồng NDT cũng bốc hơi hơn 4%. Điều này khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Từ đó, gây áp lực cho xuất khẩu của DN Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ.

Với DN nhập khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Midico chuyên sản xuất đế giày cao cấp nhựa PU Lê Quang Doãn chia sẻ: “Trong ngành nhựa có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, vì vậy tỷ giá tăng đương nhiên giá nguyên liệu cũng bị đội thêm. Khi giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá hàng hóa thành phẩm đến tay người tiêu dùng tăng theo. Chỉ những DN lớn mới có vốn nhiều để nhập nguyên liệu dự trữ và chủ động trong sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng lớn”.

Với lãi suất, ông Phạm Quang Huy, Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên cho biết, nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường gia tăng trở lại nên DN đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, hiện nhiều đơn vị quy mô nhỏ phải vay vốn với lãi suất cao, trên 7%/năm. Ông Huy cho biết, mức lãi suất này vẫn cao với các DN xuất khẩu. Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức tăng lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, việc nhiều ngân hàng thương mại đã hết ''room'' tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới hạn mức đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài. Thực tế lãnh đạo một ngân hàng cho biết, với DN nhỏ, ngân hàng hơi "chùn tay". Bởi với nhóm đối tượng này, các nhà băng nếu cho vay thì ở mức lãi suất tương đối cao để có thể bù đắp lại rủi ro.

Chủ động phòng ngừa rủi ro

Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, NHNN cam kết sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện thị trường quốc tế vẫn còn nhiều biến động, nhất là khi diễn biến dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Do đó, thị trường tiền tệ sẽ còn nhiều biến động. Không chỉ đồng USD mà các đồng tiền khác cũng biến động. Vì thế, các DN cần phải chủ động trong các vấn đề liên quan đến tỷ giá, thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của DN được thông suốt.

DN phải chú ý đến lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình. DN nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng một loại tiền. Việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết. Ngoài ra, các DN kinh doanh xuất, nhập khẩu có thể sử dụng các hợp đồng Swap, mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, dài hạn.

DN cần chủ động tiết giảm chi phí quản lý DN, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó giúp chủ động giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trong cung ứng các hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, giành và giữ được các đối tác, các thị trường mới, có tiềm năng.

 

Giữa một bên là yếu tố tác động làm tăng giá VND, một bên làm giảm giá VND, trong thời gian qua, NHNN đã giữ được đồng nội tệ ổn định như vậy là rất tốt, đồng thời, giữ được cam kết với Bộ Tài chính Mỹ, tránh bị gắn mác "thao túng tiền tệ".

Dù vậy, chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% đang gây rất nhiều bất lợi trong quản lý ngoại hối khi nó khuyến khích dòng ngoại tệ nằm ngoài "biên giới" Việt Nam để hưởng lãi suất cao hơn, trong khi các ngân hàng vẫn phải đi vay hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần phải có thay đổi để khắc phục dòng luân chuyển vốn.

TS Lê Xuân Nghĩa