Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp lữ hành “kêu trời” vì tiền ký quỹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Du lịch quy định mức ký quỹ 500 triệu đồng áp dụng đối với hoạt động đưa khách du lịch ra nước ngoài khiến nhiều đơn vị lữ hành "kêu trời" vì phải đối mặt với khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp sẽ… dừng cuộc chơi

Bị tác động lớn từ quy định mức ký quỹ 500 triệu đồng là các doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa - lực lượng chiếm phần lớn trong tổng số đơn vị đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách ra nước ngoài. Đặc biệt khi họ đang phải đối mặt với kinh tế suy thoái, lượng khách đi du lịch giảm nhiều. "Tăng vốn điều lệ 500 triệu đồng vô tình tạo ra sự ngáng trở, khiến hoạt động kinh doanh của chúng tôi khó khăn hơn. Nửa tỷ đồng có thể giúp doanh nghiệp tổ chức tour hoặc trả chi phí trong thời gian ngắn. Khi doanh nghiệp không nhận được sự hỗ trợ từ cấp quản lý, việc vay vốn tín dụng ở ngân hàng bị thắt chặt mà phải để 500 triệu đồng "nằm chết" là sự lãng phí lớn. Không những thế, ký quỹ cao càng khiến doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", vô tình làm mất đi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam" - ông Phạm Công Thiện - Quản lý kinh doanh Công ty TNHH AloTrip International bức xúc.
Khách du lịch Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.            Ảnh: Đào Loan
Khách du lịch Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Đào Loan
Không ít người trong nghề khẳng định, với nửa tỷ đồng để được phép đưa khách du lịch ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải "dừng cuộc chơi". Những người chuẩn bị xin giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế cũng đắn đo tiếp tục hay dừng lại. Bởi doanh nghiệp mới thành lập được 1 - 2 năm, chưa có thương hiệu, lượng khách ít đồng nghĩa với doanh thu không nhiều. Cứ cho lãi mỗi năm được 250 triệu đồng bằng mức ký quỹ hiện tại, thì chi trả lương nhân viên, tái đầu tư, quảng bá xúc tiến thương hiệu chẳng đủ.

Nhiều người tỏ ra băn khoăn khi số tiền ký quỹ phải gửi vào tài khoản tại ngân hàng và được hưởng mức lãi suất thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. "Đó chỉ là mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn rất thấp. Với vai trò là cầu nối, sau khi tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, chúng tôi sẽ có văn bản phản ánh với Sở VHTT&DL Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL. Tôi nghĩ trong lúc đang khó khăn, chúng ta vẫn nên giữ ở mức 250 triệu đồng. Không nên vì một doanh nghiệp không có giấy phép đưa khách ra nước ngoài rồi bỏ rơi ở đó mà nâng mức ký quỹ" - ông Vũ Chính Đông - Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho hay.

Giải bài toán tiền ký quỹ

Trong câu chuyện ký quỹ, cũng có những ý kiến ủng hộ bởi Việt Nam có nhiều công ty du lịch làm ăn thiếu uy tín. Khi mở công ty kinh doanh du lịch nhất thiết phải có vốn, có đầu tư, do đó mức ký quỹ là khoản thu cần thiết. 500 triệu đồng cũng là "ngưỡng" để khống chế và kiểm soát, đồng thời yêu cầu trách nhiệm cao hơn. "Tôi nghĩ vốn điều lệ cần phải cao hơn nữa. Chẳng qua chúng ta chưa giải được bài toán sử dụng nguồn ký quỹ. Theo tôi, có thể doanh nghiệp đóng 500 triệu đồng và được vay lại từ ngân hàng số tiền đó để hoạt động kinh doanh, nhưng có điều kiện cam kết" - ông Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt đưa ra ý kiến.

Đồng tình với quan điểm của ông Long, nhiều doanh nghiệp cho rằng số tiền gửi vào ngân hàng trong thời gian dài nên để đảm bảo lợi ích giữa hai bên, cần có quy định cụ thể về mức lãi suất thỏa thuận. Chẳng hạn, đó là mức lãi suất hiện hành tại ngân hàng ứng với thời gian và kỳ hạn. Trong trường hợp doanh nghiệp không có 500 triệu đồng để ký quỹ, một cán bộ của Sở VHTT&DL Hà Nội đưa ra giải pháp, là liên kết sáp nhập với một công ty có khả năng để nâng tầm quy mô có đủ tiềm lực tài chính; hoặc hợp đồng hợp tác góp vốn với một doanh nghiệp kinh doanh khác. Bên cạnh đó, khi đề ra mức ký quỹ, các đơn vị lữ hành phải tuân thủ đóng góp như nhau và cơ quan quản lý cần giám sát việc thực hiện.