Doanh nghiệp lúng túng trong hội nhập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cơ hội kinh doanh sẽ mở ra cho các DN Việt Nam trong năm nay khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ được thực thi và ký kết.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội không khỏi lo ngại, với việc chưa chủ động nắm bắt các cam kết hội nhập của phần lớn DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam hiện nay thì không ít cơ hội sẽ bị bỏ qua.
Doanh nghiệp lúng túng trong hội nhập - Ảnh 1

Năm 2015 được nhìn nhận là một năm mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam khi AEC được thành lập, nhiều FTA được thực thi. Các DNNVV Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón bắt cơ hội này, thưa ông?

- Các DN đã nắm được thông tin qua các kênh truyền thông, các chương trình hội thảo, hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các sở, ngành, UBND TP... tổ chức. Tuy nhiên, có rất ít DN hiểu và nắm rõ các cam kết hội nhập, đa phần các DN còn lúng túng chưa có phương án, giải pháp để nắm bắt các cơ hội từ các FTA và AEC.

Có 4 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một là, hiện đang là thời điểm các DN lo tái cơ cấu để ổn định nên chưa thực sự quan tâm tới việc mở rộng tham gia vào các cộng đồng kinh tế, các thị trường mới nổi nên chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Hai là, DN vẫn còn đang gặp khó khăn về vốn, họ đang tập trung xử lý các vấn đề nợ xấu. Ba là, các DN trong nước đang rất quan ngại việc các DN nước ngoài có nguồn vốn rẻ, có tiềm lực tài chính lớn thâu tóm, sáp nhập. Năm 2014 và đầu năm 2015, các DN này đã vào Việt Nam và gây ra làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) khiến các DN Việt Nam lo ngại. Bốn là, vì nhận thấy thị trường sân nhà chưa đứng vững nên DN trong nước chưa dám mạnh dạn tiến ra thị trường bên ngoài. Đây là những nguyên nhân khiến DN Việt Nam, đặc biệt là DNNVV chưa quan tâm tới những cơ hội do các FTA và AEC mang lại.

Ông có thể chỉ ra những điểm yếu của DNNVV hiện nay là gì và ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hội nhập của DN?

- Một là về nhân sự, chúng ta cần đội ngũ nhân sự có thể bán hàng ra nước ngoài, phải có kỹ năng, trình độ ngoại ngữ, văn hóa để hiểu rõ người tiêu dùng ở nước sở tại. Tuy nhiên, hiện nay, DN Việt Nam mới chủ yếu bán hàng nội địa, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hai là, các DN đang phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường trong nước, không ít DN đã bị lép vế. Ba là, công nghệ sản xuất của DN còn yếu và thiếu, mẫu mã, chất lượng chưa cao, chúng ta chỉ làm thô, chưa làm tinh nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Bốn là, các DN vẫn chủ yếu bán hàng thông qua kênh thương mại, sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải qua 4 - 5 khâu, vì thế sản phẩm bán được 10 đồng thì chỉ thu về được 4 - 5 đồng.

Theo đánh giá của ông, những sản phẩm nào có thể tạm yên tâm khi hội nhập ASEAN?

- Theo tôi, hàng nông sản như gạo, cà phê…, thủy sản như cá, và dệt may là những mặt hàng có thể cạnh tranh tốt. Riêng dệt may ở Hà Nội là ngành có nhiều DN mạnh như Dệt kim Đông Xuân, May 10… Một số lĩnh vực sản xuất dầu ăn, bánh kẹo… cũng tăng trưởng khá ổn định, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tốt.

 
Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. 	Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất linh kiện tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Trước thực tế đó, Hiệp hội làm gì để cải thiện năng lực cạnh tranh của DNNVV?

- Hiệp hội đóng vai trò hỗ trợ chứ không làm thay DN. Số lượng DN hội viên hiện nay tương đối đông, vì thế Hiệp hội sẽ làm điểm, chọn ra một số DN có đủ năng lực và tiềm năng để hỗ trợ vốn, thị trường, thủ tục... Hiện, Hiệp hội đã ký kết hợp tác với 11 trung tâm hỗ trợ DNNVV của Hà Nội để sẵn sàng giúp đỡ DN. Trước mắt sẽ hỗ trợ những DN trong lĩnh vực dệt may, nông sản, lương thực – thực phẩm, cà phê, dụng cụ gia dụng, những DN sản xuất sản phẩm chủ lực Thủ đô…

Có rất nhiều DNNVV hiện nay muốn vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ. Thông qua Hiệp hội đã DN nào được hưởng vốn ưu đãi cho đầu tư công nghệ chưa?

- Các ngân hàng là hội viên của Hiệp hội như Vietcombank, SHB, TP Bank, Agribank... đều có nguồn vốn dành cho những DN đầu tư công nghệ. Đã có nhiều DN được vay vốn từ các ngân hàng này. Các DN lấy chính dây chuyền công nghệ làm tài sản bảo đảm thay vì dùng bất động sản. Phương thức hỗ trợ này đã được triển khai trên cơ sở mỗi ngân hàng đưa thông tin về nguồn vốn cho Hiệp hội. Hiệp hội có trách nhiệm làm cầu nối, giới thiệu DN cho các ngân hàng. Chúng tôi đã triển khai từ năm 2013 và đến nay đã có hơn 40 DN được vay với tổng trị giá vốn vay là hơn 600 tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 7 - 8%, thậm chí thấp hơn với DN có phương án kinh doanh tốt. Một số DN như Công ty Hà Yến, Công ty 22, Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Việt Nam... đã thành công nhờ tiếp cận được các nguồn vốn trên.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần