Theo các nhà phân tích, trên thực tế Nga không bị ảnh hưởng lợi ích như các nước châu Âu, thậm chí các công ty của nước này có thể sẽ hưởng lợi từ việc Washington áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Teheran.
"Thỏa thuận hạt nhân và việc bãi bỏ các trừng phạt năm 2015 đánh dấu sự trở lại của các doanh nghiệp châu Âu ở Iran. Nhưng hiện vẫn chưa chắc chắn họ có thể tiếp tục việc kinh doanh tại Tehran. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Nga chiếm thế thượng phong”, nhà khoa học chính trị độc lập Vladimir Sotnikov nhận đinh.
Mối quan hệ giữa Nga và Iran đã thiện sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Những năm 1990, Moscow đã đồng ý tiếp tục xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr mà Đức bỏ dở dự án này. Ngay cả trước khi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015, bất chấp các biện pháp trừng phạt của quốc tế, Nga và Iran vẫn tìm cách tăng cường trao đổi mậu dịch.
Nhà phân tích Igor Delanoe của Tổ chức Quan sát Pháp-Nga cho rằng các công ty châu Âu tiếp xúc nhiều hơn với thị trường Mỹ, họ phải tuân thủ để tránh gặp rắc rối, trong khi đó doanh nghiệp Nga ít tiếp xúc và ít ảnh hưởng hơn. “Các công ty Nga có thể tiếp tục kinh doanh ở Iran mà không gặp khó khăn nào ngay cả khi Tehran chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt buộc Iran phải chuyển hướng sang Nga và Trung Quốc.
Quyết định chọn giải pháp cứng rắn nhất với Iran của chính quyền ông Trump có thể mang lại sức sống mới cho mối quan hệ kinh tế Nga-Iran. Thương mại song phương Nga- Iran chỉ khoảng 1,7 tỷ USD trong năm 2017, giảm 20% so với năm trước và thấp hơn nhiều so với con số hơn 3 tỷ USD vào cuối những năm 2000.
Trong chuyến thăm Tehran giữa tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hai nước có ý định tiếp tục "hợp tác kinh tế toàn diện". "Chúng tôi không sợ bị trừng phạt", ông Ryabkov nhấn mạnh.
"Nga muốn bán thép, cơ sở hạ tầng vận tải và các hàng hóa sản xuất khác cho Iran. Sự cạnh tranh ít hơn từ Mỹ và EU sẽ càng có lợi cho Nga", nhà phân tích Charlie Robertson tại Renaissance Capital cho biết.
Nhà phân tích Igor Delanoe cho biết Iran cũng đang có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng cho ngành năng lượng, cũng như trong ngành viễn thông và điện lực, những lĩnh vực Nga có lợi thế. Theo nhà phân tích Delanoe, tình hình hiện nay có thể đẩy mạnh xu hướng sử dụng đồng Rúp trong giao thương giữa Nga với các nước Trung Đông, để tránh đồng USD do việc sử dụng loại tiền tệ này có thể bị tư pháp Mỹ gây khó dễ.
Bên cạnh đó, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn có một tác động tích cực khác đối với kinh tế Nga, đó là giá dầu tăng lên đến mức cao nhất từ năm 2014, làm tăng thêm nguồn thu cho nguồn ngân sách vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.
Theo các nhà phân tích tại ngân hàng ALFA của Nga, những căng thẳng hiện tại giúp giá dầu duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm, điều này sẽ là sự "cứu trợ lớn cho thị trường Nga".
Đối với nhà nước Nga, đây là nguồn thu đáng kể trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 với cam kết phát triển nền kinh tế Nga và giảm nghèo. Để thực hiện hai mục tiêu dài hạn đó, chính phủ của Thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ cần đến hơn 100 tỷ Euro.