Doanh nghiệp ngại “gõ cửa” tòa án’

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ có 6,4% số DN cho biết có nhờ đến tòa án để giải quyết tranh chấp, trong khi 93,6% còn lại khẳng định không nhờ đến “kênh” này.

Kết quả khảo sát do Ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, các DN rất ngại “gõ cửa” tòa án.

Do không tin tưởng…

Theo ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế VCCI, số DN đã từng “gõ cửa” nhờ tòa án trả lời không tin tưởng và hoàn toàn không tin tưởng tòa án và thi hành án sẽ bảo vệ quyền tài sản và quyền hợp đồng của mình khi có tranh chấp chiếm tỷ lệ khá cao, đến 32%. Tỷ lệ này ở số DN chưa từng ra tòa giải quyết tranh chấp thấp hơn, khoảng 19%. “Như vậy, DN đã từng ra tòa đánh giá hệ thống tư pháp hoạt động kém hơn, trong khi DN chưa từng ra tòa có phần tin tưởng hơn” – ông Đức nhận xét.

Nhiều doanh nghiệp không muốn khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp.   Ảnh: Trần Việt
Nhiều doanh nghiệp không muốn khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp. Ảnh: Trần Việt

Ngoài ra, có đến 28% DN trả lời không muốn khởi kiện ra tòa khi gặp tranh chấp, 7% DN nhờ đến các trọng tài thương mại, 13% nói sẽ “cân nhắc”. Kết quả khảo sát cũng đưa ra lý giải vì sao DN không muốn giải quyết tranh chấp qua tòa án, đó là do họ ngại mất thời gian, chi phí cao, tình trạng chạy án, trình độ của cán bộ tòa án... Các DN kiến nghị, thời gian làm thủ tục tố tụng cần phải rút ngắn lại, tình trạng chạy án và trình độ của cán bộ tòa án cần phải được cải thiện trong thời gian sớm nhất.

Bất cập từ trong luật

Trước tình trạng trên, đại diện nhiều DN đã thẳng thắn chỉ ra rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự cần phải khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm đưa vào thi hành. Chỉ bàn riêng về thủ tục rút gọn, theo ông Trần Xuân Tiền – Văn phòng Luật sư Đồng đội, đã có nhiều quy định về thủ tục rút gọn gây tốn kém, phức tạp, khó tuân thủ cho các bên. Có rất nhiều vụ việc tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp thấp, các bên đều đã thống nhất về nội dung tranh chấp và có chứng cứ rõ ràng... nhưng tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết, do đó không thể đưa ra xét xử ngay vì nếu không tiến hành đầy đủ các bước từ lấy lời khai, hòa giải... thì vụ án có thể bị hủy.

Thực trạng trên khiến quá trình tố tụng kéo dài, phải tính theo năm, đặc biệt là các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. “Điều này gây thiệt hại cho DN cả về thời gian và tiền bạc. Chưa kể dẫn đến tình trạng số lượng án tồn đọng ngày càng tăng, quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, DN không được đảm bảo” – ông Tiền bức xúc. Thủ tục tố tụng rườm rà như vậy nhưng Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành lại thiếu các quy định về thủ tục rút gọn.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo thực hiện trong tố tụng dân sự, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cũng có nhiều bất cập và các chế tài xử phạt vi phạm còn lỏng lẻo. Có thể lấy ví dụ qua vụ việc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Thịnh Long (Nam Định) tự ý xiết nợ trái pháp luật ông Nguyễn Văn Thịnh (Hải Hậu, Nam Định). Trong vụ việc này, đoàn cưỡng chế đã huy động cả các lực lượng như Viện kiểm sát, Công an huyện... để kê biên niêm phong nhà gia đình ông Thịnh. Ông Thịnh đã khởi kiện ngân hàng, thậm chí kháng cáo lên TAND tỉnh Nam Định, sau đó, Tòa án cấp tỉnh đã tuyên hủy án của Tòa án cấp huyện và chuyển hồ sơ để TAND huyện Hải Hậu giải quyết lại vụ án theo trình tự và thủ tục. Nửa năm sau, Tòa án cấp huyện mới chịu thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trở lại lần hai. Rõ ràng, trong vụ việc này có rất nhiều vi phạm tố tụng.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, cần phải nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị và tinh thần thượng tôn pháp luật phục vụ người dân và DN của các cơ quan xét xử.

Hiện, TAND Tối cao đang xây dựng Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Từ thực tế phản ánh trên, cơ quan soạn thảo cần lắng nghe hơn nữa góp ý từ phía cộng đồng DN, vì đây là Bộ luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN trong các tranh chấp tài sản, hợp đồng phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần