Doanh nghiệp ngược dòng Covid-19 nhờ Marketing online

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các xu hướng, công nghệ, giải pháp marketing online giúp các doanh nghiệp ngược dòng ngoạn mục trước những càn quét của đại dịch Covid-19. Đó là ý kiến đã được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 (VOMF 2021).

Sự kiện do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 15/12 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tốc độ tăng trưởng lớn

Toàn cảnh diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
VOMF 2021 hội tụ nhiều diễn giả từ các tổ chức Facebook, Google, Nielsen, Lazada Sapo, Novaon, IMGroup, Vinalink, LadiPage, Accesstrade, Kardiachain, DigiPenci… đem đến nhiều giá trị thiết thực, cũng như những bức tranh toàn diện cho hàng nghìn đại biểu, tham dự sự kiện và đông đảo người quan tâm theo dõi trực tuyến. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy những lời giải cho bài toán giải cứu doanh nghiệp trong tình hình mới.

Báo cáo Tổng quan của VECOM cho thấy, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn mới cùng sự tiến bộ nhanh chóng của CNTT và truyền thông đòi hỏi phải rà soát phương pháp tính chỉ số TMĐT. Từ năm 2021 VECOM đã thực hiện để phản ánh tốt hơn tình hình và xu hướng phát triển TMĐT cũng như khoảng cách giữa các địa phương.

Qua khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp, tổng hợp các nguồn thông tin và đánh giá năm 2020 TMĐT Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và cả giai đoạn tới 2025. Theo Báo cáo Xu hướng Tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số lĩnh vực này năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiến gần 1 tỷ USD.

Còn Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company chỉ ra rằng, TMĐT Việt Nam tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18% (riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%). Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới 2025 quy mô TMĐT Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh đánh giá cao tinh thần khởi sự kinh doanh, nhất là kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số… và số người tiêu dùng trực tuyến đến từ đầu năm đến giữa 2021 đã tăng thêm 8 triệu lượt giữa đại dịch Covid-19.

“Con số này cho thấy sự chuyến biến của hành vi tiêu dùng của người dân trong bối cảnh rất nhiều thách thức, nhất là do Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhưng cũng mang lại cơ hội chưa từng có cho TMĐT. Đây có thể nói là bức tranh đa màu sắc của Việt Nam tạo động lực phát triển kinh doanh TMĐT” – bà Lại Việt Anh khẳng định.

Tiết kiệm thời gian và chi phí

Tại VOMF 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định, cuộc sống “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Lúc này, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích tuyệt vời từ Online Marketing để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho bài toán cứu doanh nghiệp trong tình hình mới.

Head of Digital Marketing (Công ty CP Công nghệ Sapo) Trần Thị Thùy Dương chia sẻ chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”. Ảnh: Khắc Kiên

Với chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”, Head of Digital Marketing (Công ty CP Công nghệ Sapo) Trần Thị Thùy Dương chia sẻ, đây là nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường hiệu quả trên hàng loạt các kênh online như: Facebook, Instagram, Lazada, Shopee, hay Zalo, SMS… một cách hoàn toàn tự động. Qua đó, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch cho các chiến dịch, xây dựng nhiều content khác nhau phù hợp với từng phân khúc khách hàng, giúp tăng lợi nhuận. Hay các quá trình huy động vốn phải thực hiện thủ công trở nên tự động, hiệu quả và kết hợp ăn ý với nhau hơn. “Việc áp dụng hệ thống Marketing Automation giúp tăng 27% lượng leads, tăng 30% tỷ lệ chuyển đổi lead, cải thiện đến 25% Marketing ROI” – CEO này nói.

Đồng thời cho biết, bối cảnh bán lẻ của Việt Nam theo phương thức truyền thống tập trung vào sản phẩm với mô hình chuỗi cung ứng mua rẻ, bán đắt, tối ưu hóa các khâu giữa, trải nghiệm tại cửa hàng. Tuy nhiên, bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng

Do đó, Thùy Dương đưa ra lời khuyên, dịch vụ bán lẻ nên sử dụng Marketing Automation. Bởi kết nối Sales và Marketing, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng.

Lợi ích kép từ Marketing Automation

Dẫn dụ về giải pháp Marketing Automation dành cho doanh nghiệp bán lẻ Sapo Hub, sẽ mang lại lợi ích kép khi tăng đơn từ khách hàng cũ (tăng doanh thu, giảm chi phí), nâng tầm trải nghiệm cho người mua hàng (khách hàng trung thành).

Để có được điều đó Sapo Hub có những điểm thú vị dành riêng cho doanh nghiệp bán lẻ với thông suốt dữ liệu khi Nhà bán hàng không cần sử dụng 2 phần mềm riêng biệt là CRM và QLBH, tất cả dữ liệu của khách hàng đã có sẵn trên phần mềm quán lý bán hàng. Tính năng tự động phân loại khách hàng theo thông tin nhân khẩu học, tự động phân loại khách hàng theo hành vi mua sắm, tự động phân loại khách hàng theo hạng thẻ, tích điểm (Loyalty)…

Các diễn giả điểm cầu Hà Nội chia sẻ tại VOMF 2021. Ảnh: Khắc Kiên

Trong khi đó, Senior Manager – Retailer Consulting – NielsenlQ Vietnam Lê Hoàng Long đã có những chia sẻ về “Thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong đại dịch”.  Ông Long thông tin, do ảnh hưởng của dịch, mua sắm truyền thống giảm -13%, hiện đại và siêu thị giảm -19%, còn chăm sóc sức khỏe tăng +25%. Con số 69% người tiêu dùng châu Á đang thắt lưng, buộc bụng đã phần nào minh chứng cho sự ảnh hưởng của dịch. Song, Việt Nam hiện các siêu thị, mô hình bán lẻ có 8.539 cửa hàng, nhưng một trong số đó đã đang tích hợp các dịch vụ tiện ích khác đi kèm đã góp phần tạo thói quen tiêu dùng cho người dân, đặc biệt kênh bán hàng online đang trở thành xu thế tất yếu của TMĐT.

Rõ ràng, những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, tác động tới hành vi tiêu dùng  giúp doanh nghiệp nhìn ra tầm quan trọng của việc go online và nhanh chóng chuyển mình đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trước thực tế đó, Co-Founder LadiPage Tình Nguyễn khẳng định: Nền tảng công nghệ là cốt lõi để phát triển. Công nghệ giúp doanh nghiệp tăng tốc trong đổi mới sáng tạo: Là nhà snags lập ra thị trường mới, phương tiện cho sự đổi mới, nâng cao năng lực con người. “Công nghệ tận dụng dữ liệu để bám sát hành trình khách hàng, mang lại trải nghiệm cá nhân, tích hợp liên kết kênh, cũng như đòn bẩy để nâng cao trải nghiệm khách hàng” – CEO Tình Nguyễn khẳng định.

VOMF 2021 là sự kiện chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, đây là năm thứ 6 sự kiện được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Quay trở lại sau sự thành công vang dội của Vietnam Online Marketing Forum 2020, VOMF 2021 đón nhận sự quan tâm nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khởi nghiệp, các đơn vị truyền thông, các tổ chức – cơ quan – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Marketing, thương mại điện tử trên khắp cả nước. Có thể nói, VOMF 2021 chính là sự kiện Online Marketing quy mô cấp quốc gia được mong đợi nhất năm 2021.

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần