Ngày 1/6, trong chuyến thăm vùng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đã trực tiếp trò chuyện với người nông dân, thưởng thức vải chín tại vườn và ghé thăm cây vải tổ.
Các vị khách đến từ thị trường vốn được đánh giá là khó tính đã bày tỏ sự ngạc nhiên và dành lời khen ngợi đối với vùng trồng vải rộng lớn, nhất là ấn tượng với chất lượng thơm ngon của quả vải Thanh Hà.
Chinh phục khách hàng Nhật Bản
Thủ phủ vải Thanh Hà đang trong giai đoạn thu hoạch rộ vải sớm. Những ngày qua, trời nắng nóng nên người dân địa phương tập trung nhân lực thu hoạch vải. Vườn vải của gia đình ông Nguyễn Văn Sung, ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn được đón doanh nghiệp Nhật Bản thăm vùng nguyên liệu, chứng kiến cảnh thu hái vải tấp nập tại vườn.
Ông Yuchiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, quả vải Hải Dương đã có mặt tại Nhật Bản từ năm 2020 và được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ông tin tưởng với chất lượng được đảm bảo, sản lượng vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai chắc chắn sẽ vượt kỳ vọng.
Tập đoàn Aeon có hệ thống nhiều siêu thị ở Nhật Bản, dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 50 tấn vải hoặc nhiều hơn. Mặc dù một số quốc gia khác cũng có vải xuất khẩu, nhưng tập đoàn Aeon vẫn dành ưu tiên đối với quả vải của Việt Nam.
Còn ông Koji Tanihara, Quản lý bộ phận nhập khẩu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Aeon toàn cầu cho biết, lần đầu tiên ông đến vùng vải thiều Thanh Hà và rất bất ngờ với vùng trồng vải rộng lớn.
Sau khi tìm hiểu vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch đưa thật nhiều vải thiều của Hải Dương đến tận tay người tiêu dùng Nhật Bản và giới thiệu, quảng bá để mọi người dân được biết và thưởng thức loại trái cây này.
Không riêng các khách hàng từ Nhật Bản, theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ - doanh nghiệp đã có 15 năm thu mua và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà, năm nay quả vải Thanh Hà mẫu mã và chất lượng rất tốt và hứa hẹn thị trường xuất khẩu được mở rộng.
Ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, mùa vải năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 200 tấn vải và năm nay dự kiến sản lượng vải xuất đi các thị trường sẽ tăng cao.
Năm nay công ty vẫn duy trì thị trường Australia, Nhật Bản và Mỹ, nhưng kỳ vọng năm sau thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh.
Vụ vải năm 2023, công ty Rồng Đỏ có kế hoạch xuất khẩu 150 tấn vải đi Nhật Bản, 100 tấn vải đi Australia. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Với những tín hiệu hiện nay, doanh nghiệp tin tưởng Mỹ sẽ là thị trường đầy tiềm năng trong thời gian tới.
Chú trọng chất lượng
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết các thị trường xuất khẩu truyền thống của vải Thanh Hà vẫn được giữ vững. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, năm nay ước tính lượng vải sang Nhật có thể tăng 150-200%.
Các chuyên gia Nhật Bản sang tận nơi để kiểm tra các cơ sở đóng gói tại vùng trồng. Trước đó, cuối tháng 5, một số đoàn doanh nghiệp của Australia cũng đã thăm vùng vải Thanh Hà và tỏ ra rất hài lòng.
Là doanh nghiệp có 15 năm xuất khẩu vải đi nhiều thị trường, ông Mai Xuân Thìn cho biết, các khách hàng của doanh nghiệp đánh giá chất lượng vải Thanh Hà hơn hẳn các vùng miền khác. Mỗi thị trường xuất khẩu có một yêu cầu khác nhau, nhưng nhìn chung phải đạt chuẩn các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, nông dân Thanh Hà đang làm tốt quy trình sản xuất, vải đạt chuẩn xuất khẩu, mẫu mã đẹp, cạnh tranh về giá với vải Trung Quốc, Thái Lan và Mexico. Ông Mai Xuân Thìn hy vọng địa phương và ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành cùng bà con và doanh nghiệp để làm ra những quả vải chất lượng cao.
Đảm bảo chất lượng từng quả vải không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn ở thị trường nội địa là phương châm chỉ đạo sản xuất đã và đang được ngành nông nghiệp Hải Dương tập trung xuyên suốt.
Bà Lương Thị Kiểm cho biết ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập huấn rất kỹ cho bà con nông dân, các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để họ là những cánh tay nối dài hướng dẫn bà con chăm sóc đúng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Theo kiểm tra bước đầu, các mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt tiêu chuẩn.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương lưu ý bà con nông dân đối với các trà vải đã chín, tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng quả vải tốt nhất.
Với vải thiều, những trà vải chín đỏ đuôi không phun thuốc bảo vệ thực vật, chờ vải chín đều thì thu hoạch. Với trà vải còn xanh thì phun đợt thuốc bảo vệ thực vật cuối cùng trước khi dừng để đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch từ 10-15 ngày và chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được khuyến cáo.
Vải sớm Thanh Hà cho thu hoạch sau khoảng 10-15 ngày nữa. Sau đó sẽ đến lứa vải thiều chính vụ cho thu hoạch cao điểm từ giữa tháng 6.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà cho biết, địa phương tạo điều kiện tối đa cho việc tiêu thụ vải.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu, huyện Thanh Hà đang chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn bố trí các điểm thu mua thuận lợi, lực lượng công an phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự…
Chủ động thị trường
Để sẵn sàng các phương án tiêu thụ vải thiều và nâng cao các giá trị của sản phẩm vải thiều năm nay, trước đó, ngày 26/4, Sở Công Thương Hải Dương và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Hà đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, trong đó có lễ ký kết hợp tác tiêu thụ vải năm 2023 giữa các hợp tác xã, hộ sản xuất và doanh nghiệp.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của quả vải Việt Nam.
Năm nay, việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc có nhiều thách thức do thị trường này có những yêu cầu mới với nông sản nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu chuẩn cao, khắt khe nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch huyện Thanh Hà cho biết từ nay đến khi thu hoạch, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc; phân công cán bộ chuyên môn giám sát vùng sản xuất; giám sát việc ghi nhật ký vườn cây…
Huyện cũng kiểm tra điều kiện phục vụ du khách tham quan du lịch tại vùng vải thiều và tiểu khu du lịch sinh thái.
Để xuất khẩu thuận lợi, bà Lương Thị Kiểm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119ha. Sở cũng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 5 mã số vùng trồng vải sang thị trường Trung Quốc.
Toàn tỉnh đã có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan.
Hiện Sở đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói vải xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày. Riêng Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu.
Theo bà Kiểm, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên ngành nông nghiệp cần khuyến cáo người trồng trong quá trình chăm sóc vải thiều.
Bên cạnh giám sát, tập huấn trực tiếp cho người trồng vải, Hải Dương tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để biến đây là "cánh tay nối dài," giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều.
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giám sát các vùng trồng, duy trì việc cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ các địa phương phát huy du lịch sinh thái trải nghiệm.
Bên cạnh đó, huyện sẽ dạng hóa các hình thức truyền thông. Để đảm bảo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thương nhân về thu mua, huyện nâng cấp hệ thống đường giao thông, bố trí bãi đỗ xe rộng, điểm tập kết thu mua vải./.