Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Gỡ vướng thế nào?

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), song tỷ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm này ở Hà Nội cũng nằm ở top “đầu bảng”.

Gần 35.000 DN nợ đều đưa ra hàng ngàn lý do, nhưng không ít DN cố tình chây ì, trốn đóng BHXH. Trong khi đó, công tác khởi kiện các DN nợ BHXH lại đang vấp phải nhiều rào cản.
Hơn 800.000 lao động bị ảnh hưởng

Tính đến ngày 31/8, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn TP Hà Nội là 3.202,6 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 812.837 người lao động (NLĐ). Trong đó, 34.597 DN nợ BHXH với số tiền 2.845,3 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng số tiền nợ, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 656.742 NLĐ. Trong số này có tới gần 2.000 DN đã ngừng giao dịch, sản xuất hoặc giải thể, DN không còn lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH với tổng số tiền nợ khoảng 122 tỷ đồng.

Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm Xã hội Hà Nội.       Ảnh: Thanh Hải

Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, nhiều DN nợ đọng BHXH với số tiền lớn đã bị cơ quan BHXH khởi kiện từ trước 1/1/2016, nhưng đến nay, số tiền nợ vẫn gia tăng, thậm chí tăng gấp 3 – 5 lần số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện. Như trường hợp Công ty CP Lilama Hà Nội (Mai Động, Hoàng Mai), tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 8/2017 là 9,6 tỷ đồng thì số tiền nợ lãi chậm nộp đã lên đến gần 3,7 tỷ đồng. Hay như Công ty CP Sông Đà – Thăng Long (La Khê, Hà Đông) có tổng nợ bảo hiểm là 13,7 tỷ đồng, trong đó nợ lãi chậm nộp là 4,6 tỷ đồng. “Việc các DN nợ đọng số tiền lớn khiến nhiều NLĐ bị ảnh hưởng khi giải quyết các chế độ thai sản, hưu trí, ốm đau. Thậm chí, có DN có NLĐ đã mất 2 năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết được chế độ tử tuất cho thân nhân. Đặc biệt, vì nợ đọng, quá trình cấp thẻ BHYT cho NLĐ tại các DN cũng bị gián đoạn. Mặc dù BHXH có cơ chế cho phép DN tách đóng riêng cho các lao động cần chốt sổ BHXH để hưởng chế độ nhưng không phải DN nào cũng nghiêm túc thực hiện” – bà Hòa cho hay.

Đủ chiêu trốn đóng bảo hiểm

Qua theo dõi của BHXH TP Hà Nội, phần lớn các DN nợ đọng BHXH rơi vào nhóm ngành nghề xây dựng, kinh doanh bất động sản, may mặc. Vì vậy, lý do mà nhiều DN đưa ra đều là tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, các dự án bất động sản thiếu vốn không triển khai được, NLĐ không có việc làm, không thu hồi được vốn từ các công trình… Như trường hợp Công ty CP Licogi 13 (Nhân Chính, Thanh Xuân) có số nợ bảo hiểm đến hết tháng 8/2017 là 3,4 tỷ đồng, đại diện Công ty cho biết, trong khi các công trình mới của DN chưa triển khai, tìm kiếm việc làm cạnh tranh rất khốc liệt về giá cả và công nghệ thì các công trình cũ cũng chưa được quyết toán xong, tổng nợ của chủ đầu tư với DN ở các công trình trọng điểm như Thủy điện Lai Châu, QL18, QL20, cầu Việt Trì… lên đến trên 200 tỷ đồng. “Nếu thu hồi được số tiền này sớm thì chắc chắn DN sẽ ưu tiên cho việc trả nợ BHXH” – đại diện Công ty khẳng định.

Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ EPOSI (La Khê, Hà Đông - đơn vị nợ bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng) Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ, Công ty hoạt động chủ yếu về thiết bị giám sát hành trình, chi phí đầu tư sản xuất lớn, song Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô bị hoãn nên ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của đơn vị. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất C&H Vina (Văn Điển, Thanh Trì) Nghiêm Thị Thu Hằng cũng “kêu” rằng, do khủng hoảng đơn hàng nên Công thy phải nợ BHXH tới 1,2 tỷ đồng và 3 năm nay không thể cấp thẻ BHYT cho NLĐ. Điều đáng nói, các DN nợ đọng BHXH lớn cũng đều nằm trong “danh sách đen” của Chi cục Thuế Hà Nội nên đã bị “treo” hóa đơn. Điều này khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của DN lại càng vướng mắc.

Bên cạnh những DN khó khăn thực sự thì không ít DN cố tình trốn đóng BHXH. Như Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (số 28A, TT10, Văn Quán, Hà Đông), mặc dù trúng thầu hạng mục VSMT của 7 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội với gần 3.000 NLĐ nhưng vẫn cố tình nợ BHXH tới 11 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty hàng tháng vẫn trả lương đều cho NLĐ, vẫn thu của NLĐ 10,5% tiền đóng BHXH nhưng lại tự ý sử dụng số tiền này không đúng mục đích.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, hiện, nhiều DN tìm mọi cách lách luật, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN như ký nhiều hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc ký hợp đồng lao động với NLĐ chỉ ghi mức tiền lương và các khoản phụ cấp đóng BHXH thấp hơn mức thu nhập thực tế mà DN trả cho NLĐ. Ở một số nơi, có DN “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến tình trạng là DN cũ “biến mất” trong khi DN mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hàng ngàn lý do để nợ BHXH, song các DN nợ đều chung một mong muốn được khoanh phần nợ lãi chậm nộp và trả dần số nợ gốc. Thậm chí, nhiều DN còn “hy vọng” được miễn giảm số tiền nợ lãi. Tuy nhiên, nếu điều này thành hiện thực thì vô tình sẽ tạo sự bất công bằng với các DN đóng BHXH đầy đủ.

Cần sửa Luật để giải quyết vấn đề khởi kiện

Từ tháng 1/2016 đến nay, BHXH Hà Nội đã hoàn thiện, bàn giao hồ sơ 350 đơn vị với số tiền nợ 313,1 tỷ đồng cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tổ chức công đoàn chuyển hồ sơ sang tòa án khởi kiện 63 đơn vị với số tiền nợ 65,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một vụ kiện nào được đưa ra xét xử. Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho rằng, quy định yêu cầu công đoàn cơ sở đứng lên khởi kiện hoặc NLĐ ủy quyền cho công đoàn cơ sở khởi kiện là không hợp lý. Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình khởi kiện từ các cấp trên. “Theo quy định, NLĐ có thể ủy quyền cho công đoàn cơ sở kiện DN nhưng phải có giấy ủy quyền và công chứng, như vậy với một DN có 3.000 NLĐ thì việc để thu thập đầy đủ các giấy tờ này là điều không thể. Do vậy, phải sửa đổi Luật thì mới có thể khởi kiện được” – ông Dưỡng nhấn mạnh.

Việc sửa Luật, gỡ vướng trong khởi kiện cũng là mong muốn của Giám đốc BHXH các quận, huyện khi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội về nợ đọng BHXH vừa qua. Tuy nhiên, trong khi việc khởi kiện còn ách tắc, TP Hà Nội mong muốn các chủ DN và NLĐ cần nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm khi tham gia BHXH.
Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi Luật BHXH năm 2014, hoặc ban hành văn bản nhằm tháo gỡ vướng mắc về khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa án nói riêng và công tác quản lý nợ BHXH nói chung để giảm thiểu tình trạng nợ BHXH như hiện nay. Đồng thời, các bộ, ngành và BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh phối hợp trong triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 4 về kê khai, đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, DN để tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN khi tham gia BHXH, BHYT.
Giám đốc BHXH TP Hà Nội  Nguyễn Đức Hòa
TAND Tối cao đã đề xuất giải quyết vấn đề khởi kiện DN nợ BHXH theo 2 hướng. Hướng thứ nhất là cơ quan BHXH vừa thực hiện chức năng thanh tra đóng BHXH, vừa thực hiện quyền khởi kiện. Nếu thực hiện theo hướng này, sẽ phải sửa một trong 2 Luật là Luật BHXH hoặc Luật Tố tụng dân sự; hoặc Quốc hội có riêng Nghị quyết về vấn đề này. Hướng thứ hai là giao cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện, bởi nếu giao cho công đoàn cơ sở thì không thể thực hiện được, do chủ tịch cũng như cán bộ công đoàn cơ sở là người hưởng lương của DN, nên có nguy cơ bị chủ DN sa thải.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Bộ LĐTB&XH 

Trần Thị Thanh Hà