Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp nước ngoài khẳng định Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu cơ hội đầu tư

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp sáng nay 9/5, đại diện các DN đầu tư nước ngoài đều khẳng định với những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh.

Hiệu quả từ những biện pháp mạnh

Phát biểu trước hội nghị trực tuyến với nhiều điểm cầu từ địa phương, DN trên cả nước, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier đánh giá, Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về cuộc chiến chống Covid-19. Các biện pháp mạnh mẽ chống dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp y tế cộng đồng kịp thời cùng với gói hỗ trợ kinh tế hiệu quả đã đưa Việt Nam trở thành hình mẫu chống Covid-19 trên thế giới.

EuroCham đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ mà Việt Nam triển khai trong thời gian qua, nhằm bảo vệ cộng đồng DN, bao gồm DN châu Âu. 

 

Đặc biệt, EuroCham hoan nghênh vai trò của Bộ KH&ĐT là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng DN châu Âu. Trong vài tháng qua, Bộ KH&ĐT đã đề xuất và thực hiện các giải pháp sáng tạo góp phần giúp các DN duy trì kinh doanh bình thường, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu như vận tải, y tế, dược phẩm, sản xuất công nghiệp.

“Những biện pháp mạnh mẽ trên đã giúp Việt Nam duy trì thành tích kinh tế (trong quý I/2020), tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những hành động này cũng giúp duy trì niềm tin của cộng đồng DN châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, cạnh tranh về kinh doanh.

Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định nhờ cách tiếp cận chủ động song hành, vừa chống dịch Covid-19 vừa kích thích kinh tế”, Chủ tịch EuroCham nhận định.

Phó Chủ tịch Kocham Hong Sun cho biết, cộng đồng DN Hàn Quốc đánh giá cao việc luôn cải cách, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt là những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng các DN Hàn Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam.

Phó Chủ tịch Kocham khẳng định sẽ tiếp tục giới thiệu các DN có chất lượng vào đầu tư tại Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài.

“Các DN Hàn Quốc sẽ cùng DN Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cam kết đồng hành, cùng Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai”- đại diện Kocham bày tỏ.

EVFTA kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam

Bên cạnh việc cam kết đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng hiến kế để Việt Nam thu hút nhiều nguồn đầu tư mới. Phó Chủ tịch Kocham Hong Sun đề nghị, nhằm hỗ trợ các DN FDI, trong đó có DN Hàn Quốc một cách hiệu quả trở lại sản xuất kinh doanh sau dịch, Chính phủ nối lại đường bay với những nước đã cơ bản đã khống chế được đại dịch như Hàn Quốc để các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động... có thể sang Việt Nam làm việc và trở lại trạng thái bình thường mới. Phía Hàn Quốc sẽ phối hợp để thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Ông Funayama Tetsu, Trưởng ban VBF HH DN Nhật bản tại Việt Nam hy vọng Chính phủ Việt Nam xem xét, cho phép nhập cảnh và cấp giấy phép lao động cho các trường hợp lao động đặc biệt.

Với việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự Việt Nam - EU (EVFTA), Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier cho biết, các DN châu Âu mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU. Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút nhiều nguồn đầu tư mới.

“Bằng cách thực hiện tốt EVFTA, Việt Nam sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn truyền thống, cũng như giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng trên thế giới”, ông Audier tin tưởng.

Theo đại diện EuroCham, việc thực hiện các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế là rất cần thiết bởi Việt Nam là thị trường đang trên đà phát triển, nhưng phụ thuộc lớn vào nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, dù dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được đẩy lùi, nhưng nhiều quốc gia khác bao gồm cả những nền kinh tế phát triển vẫn chưa qua đỉnh dịch.

Đại diện EuroCham khuyến nghị, Việt Nam có thể tận dụng vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để kêu gọi tổ chức hội nghị thảo luận các gói phục hồi và kích thích kinh tế, các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các dự án hợp tác công - tư (PPP) không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần triển khai một số biện pháp khác nhằm đảm bảo tính liên tục và linh hoạt của nền kinh tế hiện đang hoạt động dưới dạng chuỗi cung ứng, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu để đảm bảo doanh thu và thu nhập tối thiểu cho DN và người lao động.

Trong khi đó, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành phụ trách Asean, Hội đồng Kinh doanh Hòa Kỳ - ASEAN kiến nghị, việc gián đoạn kinh doanh do dịch Covid-19 gây ra càng cho thấy giá trị của công nghệ và chuyển đổi số. Xây dựng chính sách thúc đẩy công nghệ thông tin sẽ là chất xúc tác phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, đảm bảo các hoạt động kinh tế. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đơn giản hoá các thủ tục đầu tư.