Áp lực đáo hạn cận kề
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường TPDN. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung một số quy định về TPDN riêng lẻ hỗ trợ thị trường.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các DN đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng. Nếu như quý II, khối lượng phát hành bình quân khoảng 3.000 tỷ đồng/tháng, sang quý III, khối lượng phát hành bình quân khoảng 35.000 tỷ đồng/tháng.
Tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Bộ này yêu cầu, các DN còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Hiện, các DN đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn. Đối với các DN gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08 của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án cụ thể. Đó là đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán đã làm việc trực tiếp các DN có dư nợ trái phiếu lớn. Bộ Tài chính yêu cầu, DN phát hành yêu cầu DN có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp. Đồng thời, DN phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của DN để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
TPDN chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Bộ Tài chính khuyến nghị, nhà đầu tư cần lưu ý, TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Khi mua và giao dịch TPDN phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
Bộ Tài chính cho biết, theo đơn thư phản ánh của nhà đầu tư về việc ngân hàng thương mại lợi dụng tín nhiệm của ngân hàng và danh sách người gửi tiền tiết kiệm để “giới thiệu”, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu mà không cung cấp thông tin đầy đủ, làm cho người gửi tiền nhầm tưởng trái phiếu là “tiền gửi tiết kiệm linh hoạt”. Người gửi tiền thậm chí chưa từng tiếp xúc với nhân viên của công ty chứng khoán, chỉ giao dịch với nhân viên ngân hàng, không biết rằng sẽ ký kết hồ sơ với công ty chứng khoán và chỉ nhận ra sau khi đã thanh toán toàn bộ tiền mua trái phiếu và nhận lại hồ sơ sau khoảng 10 - 14 ngày. Toàn bộ quá trình tiếp cận, giới thiệu, tư vấn, chào mời, giao dịch, nhận tiền và chuyển trả hồ sơ mua trái phiếu đều được thực hiện tại ngân hàng và do nhân viên ngân hàng thực hiện.
Các vụ việc nêu trên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Đối với TPDN liên quan đến Tân Hoàng Minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã công bố kết luận điều tra, DN đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo đó, căn cứ quy trình xử lý, cơ quan công an sẽ thực hiện thủ tục hoàn tiền cho nhà đầu tư bị hại. Đối với TPDN liên quan đến Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra mở rộng vụ án; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nhận diện, triệt để xác minh, thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản bị chiếm đoạt để phục vụ khắc phục hậu quả trong vụ án. “Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với DN phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu”- Bộ Tài chính thông tin.